Cần đầu tư thêm 3.000km
Năm 2021, ngành giao thông vận tải được phân giao khoảng 46.000 tỉ đồng vốn đầu tư công (tăng 10% so với năm 2020). Do đó, Bộ GTVT đã xây dựng và triển khai “kịch bản” giải ngân vốn đầu tư công một cách cụ thể và quyết liệt. Cụ thể, Bộ GTVT đã tập trung triển khai một loạt dự án quy mô lớn, như: Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc chuyển 2 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông sang đầu tư công để khởi công trong tháng 6.2021.
Theo đại diện Phòng Kinh tế Tổng hợp (Ban Quản lý Dự án 2 - Bộ GTVT), năm 2021, dự kiến tổ chức khởi công hai dự án sử dụng vốn ODA quy mô lớn khác gồm: Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư 5.300 tỉ đồng, vốn vay ADB (dự kiến khởi công quý II/2021) và dự án cải tạo cầu yếu, cầu trên các tuyến quốc lộ với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, vốn vay Quỹ phát triển hợp tác kinh tế Hàn Quốc (dự kiến khởi công quý IV/2021).
Ngày 30.9.2020, phát biểu tại lễ khởi công dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (một trong những dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000km cao tốc.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới, xử lý vấn đề nguồn vốn để thực hiện chủ trương làm đường cao tốc ở nước ta thành công. Ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước. Chúng ta quyết tâm phấn đấu để làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước”.
Mới đây nhất tại cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc lại mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, do đó cần đầu tư thêm 3.000km nữa. Nguồn lực đầu tư là từ ngân sách Nhà nước hoặc đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Do đó, Bộ KHĐT và Bộ GTVT có trách nhiệm sớm báo cáo Chính phủ về chiến lược đầu tư này.
Việc xem xét xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết, nhất là theo cơ chế giá, đảm bảo mức giá phù hợp, đồng bộ với các dự án BOT liền kề và khuyến khích các dự án đầu tư hạ tầng đường bộ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nhà nước đầu tư đường cao tốc không nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận nên việc thu phí chỉ nhằm đảo bảo bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng…
Nút thắt vẫn là vốn và mặt bằng
Xung quanh mục tiêu Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Hồng Thái - Khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay, hiện các nhà thầu Việt Nam đã tự chủ làm được các công trình lớn mang tầm cỡ, nhưng vướng mắc nhất hiện nay của chúng ta là tiêu chí để chọn nhà thầu và việc tham gia của các tổ chức tín dụng vào việc đầu tư cao tốc.
Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ nguồn vốn cho các dự án đầu tư cao tốc. Do đó, cần làm rõ các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham gia ở mức độ nào và cho vay ra sao. Khi mới triển khai BOT giao thông, các ngân hàng đã đổ xô vào đầu tư. Nhưng sau một thời gian BOT giao thông đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về triển khai và thu phí nên các ngân hàng đã dừng lại và đã dẫn đến việc ách tắc về vốn.
Trong khi đó việc đầu tư cao tốc không phải dự án nào cũng có mật độ giao thông giống nhau và hấp dẫn đầu tư như nhau, có những tuyến nằm trên hệ thống cao tốc nhưng lưu lượng xe thấp nên đã nảy sinh và cần phải tính toán. Cùng đó, việc kết nối ra sao nếu chia nhỏ thì sẽ không là cao tốc, đây là bài toán khó cho nhà quản lý.
Đặc biệt là 3 Bộ: Tài chính, GTVT và KHĐT cần đưa ra các chính sách và quy hoạch cho các nhà thầu để họ yên tâm tham gia phát triển cao tốc.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lưu Thanh Tiến - Tư vấn Giám sát trưởng Công ty Cổ phần tư vấn Công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO đưa ý kiến, muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc cần phải giải quyết nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, điểm đổ thải và nguồn cung ứng vật liệu…
Cụ thể tại gói thầu số 11 đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận Hà Trung, Thanh Hoá hiện đã có mỏ đất nhưng đến nay vẫn chưa được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hoá cấp phép khai thác. Hiện Bộ GTVT đã có công văn kiến nghị địa phương hỗ trợ, nếu tháo gỡ được nút thắt về vật liệu thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tiếp đến, công tác xử lý nền đất yếu cũng rất khó khăn vì không có chỗ đổ thải, trong khi đó khối lượng chất thải tại gói này phần lớn là bùn
Liên quan đến mặt bằng thi công, TS Nguyễn Hồng Thái cho biết, từ trước đến nay trong quá trình thi công, chúng ta luôn gặp ách tắc trong giải phóng mặt bằng nên đã dẫn đến kéo dài thời gian và đội vốn.
Do đó, các địa phương phải có trách nhiệm tham gia bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà thầu.