Tiểu thương lớn tuổi bám chợ, trông chờ vào trợ cấp hưu trí

MỸ LY |

Thu nhập bấp bênh, nhiều tiểu thương lớn tuổi vẫn cố gắng bám chợ, chờ ngày đủ điều kiện nhận trợ cấp hưu trí. Bởi với họ, lớn tuổi rất khó tìm việc làm, trong khi bản thân không tham gia bảo hiểm xã hội nên cũng không có lương hưu.

Chia lại mặt bằng

Tiết kiệm chi tiêu là điều bà Trần Thị Tư (73 tuổi, tiểu thương) duy trì trong nhiều tháng nay trước tình cảnh buôn bán ế ẩm. Bà cho biết, việc kinh doanh hiện nay rất khó khăn, không chỉ bà mà đó là tình hình chung của các chợ. Cho nên, thay vì than vãn, bà vẫn thấy may mắn khi có những khách quen tìm đến ủng hộ.

“Giờ buôn bán khó khăn lắm, nhiều người bán, ít người mua, có khách mua là mừng lắm rồi. Tuy bán không bằng trước đây nhiều nhưng ít ra vẫn có đồng vô đồng ra. Trừ tiền thuê mặt bằng 220.000 đồng/2 lô/ngày, tôi phải chi tiêu tằn tiện mới đủ trang trải cuộc sống” - bà Tư nói.

Ngoài tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, bà Tư còn gom hàng hóa gọn lại để chia lô cho bạn hàng khác thuê. Như thế, mỗi ngày bà tiết kiệm được thêm vài chục nghìn đồng tiền mặt bằng: “Hồi đó còn khỏe, bán nhiều nên phải thuê 2 lô mới để đủ, giờ ế ẩm, nhập hàng cũng ít nên tôi chia bớt cho bạn hàng khác thuê chung”.

Trước cảnh chợ vắng khách, hàng hóa leo thang, bà Bé Hai (59 tuổi, tiểu thương) chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Mỗi ngày, chỉ nhập vào hơn 10 kg thịt gà nhưng ngồi đến chiều, sạp hàng của tiểu thương này vẫn còn nhiều.

“Người lao động không có thu nhập nên cũng ít đi chợ hơn. Giờ tan tầm cũng lưa thưa vài người rồi thôi. Lúc trước, thu nhập từ sạp hàng cộng thêm tiền làm thuê của chồng nên có thể trang trải chi tiêu trong gia đình. Giờ chồng lớn tuổi không còn đi làm, buôn bán thì ế ẩm, trong khi đó phải đóng 117.000 đồng tiền thuê mặt bằng, điện, nước, vợ chồng tôi phải gói ghém lắm mới đủ ăn” - bà Hai nói.

Bám chợ chờ ngày nhận trợ cấp hưu trí

Thu nhập bấp bênh, song bà Tư vẫn cố gắng bám chợ, phần vì niềm vui của công việc đã gắn bó với mình hàng chục năm, phần vì ở độ tuổi của bà muốn tìm việc làm khác rất khó khăn. “Nhiều bạn hàng thấy tôi lớn tuổi cũng khuyên về dưỡng già. Nhưng nếu không bán đồng nghĩa tôi không có thu nhập, trong khi lớn tuổi cũng khó tìm việc làm, chưa kể giờ chồng tôi cũng bị bệnh, không thể lao động. Bán tuy ế ẩm, lời ít nhưng kiếm được đồng nào vẫn hay đồng đó”.

Theo đó, bà Tư chỉ mong bản thân khỏe mạnh để bám chợ, chờ ngày đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí. Bởi bà không có ruộng vườn, cũng không tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ không có lương hưu. Khoản tiền duy nhất tiểu thương này trông chờ chính là trợ cấp hưu trí. Không chỉ vậy, bà Tư cũng bày tỏ mong muốn tuổi nhận trợ cấp hưu trí giảm còn 75 tuổi. Vì như thế, bà chỉ cần đợi thêm 2 năm nữa là đủ điều kiện nhận.

“Chỉ cần còn khỏe, tôi sẽ tiếp tục buôn bán đến khi nào đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí mới nghỉ. Vì lúc đó, ít ra tôi cũng có trợ cấp trang trải chi tiêu, không cần hoàn toàn phụ thuộc vào con cái” - bà Tư chia sẻ.

Chung nỗi lo đó, bà Hai hiểu rõ ở độ tuổi gần 60, không có tay nghề sẽ rất khó tìm được việc làm. Trong khi vật giá leo thang, chi tiêu của gia đình trung bình đã 100.000 đồng/ngày, chưa kể điện, nước. Cho nên, tiểu thương này vẫn ngày ngày bám chợ và mong sớm được nhận trợ cấp hưu trí để đỡ đần các chi tiêu trong gia đình.

“Giờ tôi chỉ biết cố gắng buôn bán chờ đến ngày nhận trợ cấp. Bởi lớn tuổi muốn đi làm thuê, làm mướn, tôi lo rằng sức khỏe sẽ không đáp ứng được. Buôn bán có chậm nhưng nếu có tiền trợ cấp sẽ đỡ hơn một chút. Tuy không nhiều nhưng của vợ chồng cộng lại cũng có cái trang trải khi sức lao động không còn” - bà Hai tâm sự.

MỸ LY
TIN LIÊN QUAN

Buôn bán ế ẩm, tiểu thương tạm gác chuyện về quê

MỸ LY |

Việc buôn bán ế ẩm đã khiến nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống gặp khó. Theo đó, gánh nặng tiền thuê lô, điện, nước,… buộc lòng họ phải tạm gác chuyện về quê. Bởi với tiểu thương, nghỉ 1 ngày, bên cạnh hàng hóa ế ẩm, họ phải chịu đến 200.000 đồng tiền thuê lô.

Nằm cạnh khu công nghiệp, chợ truyền thống vẫn ế ẩm

MỸ LY |

Dù nằm cạnh Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) với số lượng công nhân đông đúc, nhưng nhiều tiểu thương tại chợ Sang Trắng (quận Bình Thủy) vẫn ngán ngẩm vì buôn bán ế ẩm. Nguyên nhân do hầu hết người lao động đều thắt chặt chi tiêu vì thu nhập giảm sút.

Sáng dọn hàng ra, 5h chiều mới có người mua ở chợ từng sầm uất nhất Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG |

Dời địa chỉ, treo bảng sang lô, ngồi bấm điện thoại, người mua thưa thớt… là những gì phóng viên Báo Lao Động ghi nhận được tại Trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều) - nơi từng được xem là chợ truyền thống sầm uất bậc nhất ở TP Cần Thơ.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Lào Cai phạt quán ăn tăng giá bất thường mùa mưa lũ

Đinh Đại |

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản và xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại huyện Bảo Thắng.

Trường sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm học sinh Thanh Hóa nghỉ học

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Do ảnh hưởng của mưa bão, một trường học đang xây dựng thì bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học.