Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Với chỉ thị này, Kon Tum yêu cầu khắc phục tình trạng trông chờ từ nguồn hỗ trợ của ngân sách cấp trên, chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã. Chính quyền các huyện phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân bên cạnh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững".
Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, lựa chọn các xã, thôn tiêu biểu, điển hình để triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ tịch UBND huyện, thành phố là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mức độ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chính sách xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum là đúng đắn, mang nhiều ý nghĩa tuy nhiên quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập. Thực tế, nhiều thôn trong xã nông thôn mới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Khi về đích nông thôn mới, hàng nghìn học sinh bị ngắt chế độ bán trú khiến các em có nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Về đích nông thôn mới, nhiều giáo viên bị ngắt chế độ, trong khi dạy học ở miền núi, điều kiện xa xôi, thiếu thốn. Các giáo viên đã viết đơn xin nghỉ việc khi lương thấp, chế độ không có, ngành Giáo dục lo lắng vì vốn đã thiếu giáo viên đứng lớp, nay thầy cô bỏ lớp sẽ gây hệ lụy cho công tác đào tạo.
Trước một số vấn đề nổi lên khi theo đuổi mục tiêu nông thôn mới, ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Kon Tum - đề nghị Ủy ban dân tộc xem xét, sớm có hướng dẫn đối với việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cũng kiến nghị có chế độ hỗ trợ cụ thể đối với các giáo viên miền núi, để níu chân họ ở lại bám bản làng, truyền chữ cho các em học sinh.