Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến rác (Nhà máy xử lý rác) Phương Đình, huyện Đan Phượng được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 3.2012.
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 4,75 ha với tổng mức đầu tư hơn 250 tỉ đồng, do Công ty CP Đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư.
Nhà máy có công suất giai đoạn 1 đạt 200 tấn/ngày, đảm nhiệm xử lý toàn bộ chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đan Phượng, các khu vực lân cận (Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai) và rác thải công nghiệp không nguy hại của các làng nghề, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo tìm hiểu của Lao Động, Nhà máy xử lý rác Phương Đình được đầu tư và xây dựng theo công nghệ đốt lò đứng mắt xích Martin kiểu đẩy ngược khứ hồi do Đức sản xuất và được Trung Quốc nghiên cứu, cải tiến, đổi mới.
Nhà máy đi vào hoạt động chính thức từ tháng 4.2016. Tuy nhiên, từ khi đi vào vận hành, nhà máy thường xuyên phải xin ngừng tiếp nhận rác do sự cố hỏng hóc thiết bị.
Cụ thể, từ thời điểm hoạt động đến năm 2018, nhà máy này đã ngừng tiếp nhận rác 5 lần với tổng số 777 ngày.
Nguyên nhân theo đánh giá là do thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa phù hợp với đặc tính rác thải của Hà Nội (chưa qua phân loại), nhiệt trị thấp nên việc vận hành thường xuyên gặp các sự cố...
Từ tháng 4.2018, Nhà máy xử lý rác Phương Đình phải tạm ngưng để sửa chữa kết hợp nâng cấp hệ thống khí thải theo Quy chuẩn mới (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt).
Tuy nhiên, quá trình sửa chữa cũng không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp nên nhà máy đã dừng hoạt động, không tiếp nhận xử lý rác từ đó đến nay.
Theo ghi nhận, hiện nhà máy nằm im lìm, trơ trọi khu đất 4,75 ha trên địa bàn xã Phương Đình. Bên ngoài cổng vào có bảo vệ túc trực, các bảng biển cấm quay phim, chụp ảnh cũng được đặt tại đây. Một số hạng mục của nhà máy đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, bên trong cỏ cây mọc um tùm...
Ông Nguyễn Văn Nam (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) - cho biết, thời gian trước, bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) xảy ra sự cố, rác cũng ùn ứ trên địa bàn.
Trong khi đó, nhà máy xử lý rác hiện đại đầu tư lên đến 250 tỉ đồng vẫn nằm im bất động, chưa rõ ngày "hồi sinh".
"Sau thời gian dài tạm ngưng, các hạng mục đang hư hỏng, xuống cấp, lãng phí tài nguyên đất, nguồn kinh phí đầu tư khiến người dân chúng tôi vô cùng bức xúc" - ông Nam nói và mong UBND thành phố kiểm tra để sớm có giải pháp khắc phục.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Khăng - Chủ tịch UBND xã Phương Đình - cho biết, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân trong xã phản ánh với đại biểu HĐND TP Hà Nội mong muốn nhà máy sớm hoạt động trở lại, có hiệu quả. Tuy nhiên, công nghệ phải đảm bảo, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân...
Trao đổi nhanh với Lao Động trưa 14.12, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thành Quang - nói: "Dự án đang trong quá trình chuyển giao cho nhà đầu tư mới. Lúc nào xong thủ tục, chúng tôi sẽ thông tin lại sau".