Triển khai ì ạch
Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được UBND TPHCM giao Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất xây dựng từ năm 2003, là một trong những dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn.
Đến năm 2006, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư, chia thành 4 đoạn chính. Thế nhưng đến nay chỉ có dự án chống sạt lở đoạn 1 kênh Thanh Đa đã hoàn thành. Riêng đoạn 2, 3, 4 với nhiều gói thầu lớn vẫn thi công dang dở, gia tăng nguy cơ sạt lở.
Cụ thể, ở đoạn 2 (ngã 3 sông Sài Gòn - thượng lưu kênh Tham Lương đến xưởng cơ khí Tiền Phong) công trình có chiều dài tuyến kè gần 2,8km, tổng vốn khoảng 320 tỉ đồng. Công trình khởi công vào tháng 8.2014, sau 1 năm thi công đã hoàn thành 95% phần thảm đá dưới nước rồi ngưng đến nay do vướng mặt bằng. Gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công tháng 6.2018 mới đạt 26%, cũng ngưng do vướng mặt bằng. Hiện đoạn này chỉ mới bàn giao 900m/2,8km mặt bằng.
Đoạn 3 (xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba Rạch Chùa) dài hơn 4km, tổng mức đầu tư hơn 643 tỉ đồng mới hoàn thành gần 800m bờ kè và thi công cầm chừng. Còn đoạn 4 (từ Rạch Chùa đến ngã 3 sông Sài Gòn - hạ lưu kênh Thanh Đa) dài 2,7km, tổng vốn hơn 380 tỉ đồng cũng ngưng trệ và chưa thể hoàn thành đúng tiến độ.
Trong khi đó, hai bờ rạch Giồng Ông Tố (Thành phố Thủ Đức) là 2 trong số 8 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở TPHCM. Theo ghi nhận dọc bờ rạch, hàng chục ngôi nhà trong tình trạng liêu xiêu chếch ra phía bờ sông, có những căn nhà hoang tàn bị đổ sập một phần công trình lộ ra phần hở hàm ếch sâu. Chiều dài hai bờ rạch bị sạt lở kéo dài khoảng 300m. Hồi tháng 9.2021, một phần căn nhà khoảng 15m2 sát cầu Giồng Ông Tố bị sụp xuống rạch trong đêm, may mắn không gây thiệt hại về người.
Đáng nói, cách đây 3 năm, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án làm kè bảo vệ dài 77m mỗi bên mố cầu, tổng mức đầu tư hơn 46 tỉ đồng nhưng đến nay chưa triển khai.
“Gia đình tôi cùng người dân nơi đây luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo lắng mỗi ngày vì nhà có thể bị dòng nước nuốt trôi bất cứ lúc nào. Tôi mong sớm được đền bù giải tỏa để dời đến nơi ở khác an toàn hơn” - anh Thanh, một trong 19 hộ dân chịu ảnh hưởng sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố nói.
Hơn 1.300 hộ dân sống bên miệng “hà bá”
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, toàn thành phố có 32 vị trí sạt lở tại 7 quận, huyện với tổng chiều dài khoảng 18km, ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân. Mức độ sạt lở được chia thành hai cấp: Đặc biệt nguy hiểm (8 vị trí) và nguy hiểm (24 vị trí).
Thành phố Thủ Đức là địa phương có nhiều vị trí sạt lở nhất với 8 điểm, trong đó có 2 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Tiếp đến là huyện Nhà Bè và Cần Giờ đều cùng 7 vị trí; huyện Bình Chánh, Quận Bình Thạnh mỗi địa phương cũng có 4 vị trí sạt lở; còn lại là huyện Hóc Môn và Củ Chi cùng có 1 vị trí sạt lở.
Theo ông Đinh Minh Hiệp - Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, nguyên nhân sạt lở tại TPHCM là tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông; các dự án nạo vét sông làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, gia tăng xói lở bờ sông. Ngoài ra, việc người dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang an toàn kè bảo vệ bờ sông cũng dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún.
Ông Đinh Minh Hiệp cho biết, hiện 23/32 vị trí sạt lở đã được lập dự án xây dựng kè với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, các dự án có tiến độ triển khai khá chậm hoặc đang "nằm trên giấy".
Về các dự án chậm triển khai do vướng giải phóng mặt bằng, ông Hiệp cho rằng, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng khiến nhiều hộ không muốn di dời. UBND TPHCM đã đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận huyện, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án đê kè, đảm bảo an toàn cho người dân.
Đối với 9 vị trí chưa có dự án chống sạt lở, UBND TPHCM mới đây đã giao Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM phối hợp các địa phương liên quan khảo sát, tham mưu UBND thành phố chấp thuận chủ trương xây bờ kè chống sạt lở tại các vị trí này.