Chậm 1 năm rồi 2 năm... đến 20 năm
Theo Sở GTVT TPHCM, năm 2020, Sở đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng 14 cầu, làm mới 9,57km và nâng cấp mở rộng khoảng 30km đường. Các dự án tháo nút thắt kẹt xe đã hoàn thành phải kể đến như: Hầm chui An Sương (quận Tân Bình và quận 12); cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè), cầu An Phú Đông (quận 12)…
Tuy nhiên, còn nhiều dự án chủ đầu tư khởi công khi chưa có đủ điều kiện mặt bằng nên thi công dang dở, gây ảnh hưởng tới đời sống người dân. Phần lớn các dự án đều chậm tiến độ với đủ các mốc thời gian, ít thì 2-3 năm, nhiều kéo dài đến 20 năm. Trong số những dự án chậm tiến độ phải kể đến dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (hay còn gọi là dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2) đến nay đã kéo dài 20 năm nhưng vẫn chưa làm được. Hay như dự án cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè dự án đã duyệt gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Những dự án trễ từ 10 năm trở lại có thể kể đến như mở rộng xa lộ Hà Nội; cầu đường Bình Tiên; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vành đai 2 đến khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9)… Ngay cả những dự án quy mô không lớn nhưng là dạng dự án cấp bách để giảm kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long cũng chậm đến 3 năm.
Khi dự án bị chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà đẩy cả chi phí GPMB và tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều. Ví dụ như dự án mở rộng quốc lộ 13 thời điểm năm 2002, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.500 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 8.176 tỉ đồng.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TPHCM, nghịch lý là có những dự án như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám thời gian thi công rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng nhưng chờ công tác đền bù đến 3 năm. Ông Phúc cho rằng, nếu đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ, tránh được tình trạng công trình phải tạm dừng thi công vì vướng nhà, đất của người dân.
Kỳ vọng tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn
Phần lớn các dự án chậm GPMB xuất phát từ mức giá đền bù quá thấp nên người dân không chịu di dời để bàn giao mặt bằng. Đơn cử như trường hợp của một số hộ dân ở phường Tam Bình (quận Thủ Đức nay là Thành phố Thủ Đức) bị giải tỏa để làm đường Vành đai 2, song mức giá nhà nước đền bù quá thấp không đủ để người dân mua chỗ ở mới nên họ không chịu di dời.
Bà Nguyễn Thị Tư (đường số 11, phường Tam Bình) cho biết, nhà nước đền bù cho gia đình bà chỉ 11 triệu đồng/m2, trong khi nhà tái định cư thì bán giá 20 triệu đồng/m2. Vì thế, gia đình bà không có tiền bù phần chênh lệch nên không thể di dời được.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, quá trình thu hồi đất, ngoài trình tự thủ tục còn phụ thuộc vào việc bồi thường có thỏa đáng, vấn đề an sinh xã hội của người dân như nơi học hành, khám chữa bệnh, công việc và tái định cư tại chỗ. Ông Châu nhận định, đa số các dự án đền bù chậm do bồi thường chưa thỏa đáng, chưa tái định cư tại chỗ mà đưa người dân đi tái định cư quá xa làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh kế nên họ không chấp nhận.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho rằng hiện có hai nguyên nhân khiến các dự án bị chậm là nguồn vốn và GPMB.
“Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông rất mong sẽ có cơ chế ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, chính sách giải phóng mặt bằng cho phù hợp. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho địa phương và các đơn vị liên quan khác” - ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết đáng mừng là Nghị quyết 27 được Chính phủ ban hành có điểm mới ưu tiên TPHCM thí điểm cơ chế GPMB. Khi Chính phủ cho phép TPHCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, khi đó với giá bồi thường sẽ cao hơn nhiều so với bảng giá đất để tiệm cận với giá thị trường.
Ngoài ra, với cơ chế đặc thù quy trình sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chỉ còn một công đoạn phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường. “Hi vọng với quy định mới này, TPHCM sẽ lập ra được quy trình GPMB rút gọn thời gian, có mặt bằng sạch để thêm nhiều dự án có thể về đích” - ông Phúc nói.
Theo ông Vương Quang Hưng - Trưởng Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM), năm 2021, Sở sẽ tập trung vào những mục tiêu và giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình. Trong đó, giải pháp rút ngắn thời gian bồi thường GPMB là rất quan trọng.
Cụ thể, Sở GTVT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung ban hành hệ số điều chỉnh giá vào tháng 1 và hoàn chỉnh quy chế phối hợp tổ chức bồi thường.
“Hai Sở sẽ nghiên cứu xây dựng quy chế làm việc để cùng tháo gỡ những vướng mắc công tác bồi thường GPMB, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Khi cơ chế đưa vào thực hiện, các công trình giao thông thời gian tới sẽ triển khai và đưa vào sử dụng nhanh hơn” - ông Hưng nói.
KTS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, nhận định lâu nay việc đền bù GPMB đối với các dự án giao thông tại TPHCM luôn gặp khó khăn là do pháp lý chưa thật rõ ràng. Quan điểm giữa người dân và nhà nước còn khác nhau. Định giá đất cho người dân chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường, khiến người dân luôn cảm thấy mình là người chịu thiệt, trong khi nhà nước chưa có lý giải thỏa đáng.
“Nếu muốn giải quyết triệt để nút thắt GPMB, cần thay đổi chính sách định giá đất thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của người dân. Tắc nghẽn GPMB, kéo theo tắc nghẽn các dự án là nguyên nhân chính khiến TPHCM không thể giải ngân vốn đầu tư công. Không chỉ các dự án mới, hàng trăm dự án tồn đọng nếu quyết tâm xử lý nhanh chóng thì sẽ là giải pháp đột phá để thúc đẩy kinh tế cho TPHCM hiện nay cũng như trong tương lai” - KTS Võ Kim Cương nhấn mạnh.