Bắt đầu xuất hiện những ca bệnh nặng
Khoảng cuối tháng 5.2021, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM được chuyển đổi công năng điều trị bệnh COVDID-19 cho trẻ.
Ngay sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, Khoa COVID-19 dần chuyển đổi lại công năng tiếp nhận những bệnh nhi mắc các bệnh lý truyền nhiễm khác.
Những ngày qua, từ hành lang bệnh viện vào tới các phòng hiện đều kín bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết và viêm não. Các khoa phòng khác và các giường xếp đã được bệnh viện sẵn sàng bố trí khi số trẻ nhập viện tăng đột biến.
Th.S BS Nguyễn Đình Qui - Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 500 trẻ đến khám ngoại trú, trong đó có khoảng 40 bệnh nhi phải nhập viện điều trị vì mắc bệnh truyền nhiễm.
Để đảm bảo không lây chéo, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã phân từng khu riêng biệt, đồng thời, tích cực sàng lọc bệnh nhi nào nặng để kịp thời cứu chữa.
Chị Đặng Ngọc Dung (ngụ ở tỉnh Bình Dương) đưa con gái 8 tuổi nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 vì bệnh phổi.
Sau 8 ngày nằm viện, bé bị mắc tay chân miệng với những biểu hiện sốt liên tục 3 ngày không hạ, không ăn và quấy khóc được bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng và chuyển sang Khoa Truyền nhiễm cách ly điều trị, tránh nhiễm chéo.
“Ở trong bệnh viện tôi cũng cố gắng giữ kỹ cho bé để không bị nhiễm bệnh, vì thấy bác sĩ cũng có nói mùa này là mùa tay chân miệng hoặc sốt xuất huyết nhưng không may bé vẫn mắc, cũng buồn nhưng cố gắng điều trị thôi”, chị Ngọc Dung chia sẻ.
Cũng tại thời điểm này, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 28 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện nội trú. Con số này tăng gần gấp 3 lần so với đầu tháng 4.2022.
Theo các bác sĩ, thời điểm này số trẻ nhập viện tăng là phù hợp khi trẻ đến trường học, giao lưu với bạn cùng lớp nên bệnh tay chân miệng lây nhanh.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 - 70 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, chủ yếu bệnh nhẹ. Tỉ lệ nhập viện (từ độ 2A trở lên) thấp.
TPHCM cảnh báo cấp độ dịch tăng
Trước tình hình dịch bệnh vào mùa căng thẳng, TPHCM đã liệt kê những con số đang báo động về nguy cơ dịch chồng dịch.
Theo báo cáo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 4.491 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm. Tuy nhiên, qua hệ thống ghi nhận có đến 109 trường hợp sốt xuất huyết nặng, tăng 354% so với cùng kỳ năm 2021 (24 ca) và 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Thành phố ghi nhận các quận có số ca mắc sốt xuất huyết cao như: Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân và Hóc Môn.
Trong khi đó, đối với bệnh tay chân miệng, tình hình số ca mắc cũng tăng cao đáng báo động.
Theo thông tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận 936 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 95% ca bệnh từ 1-5 tuổi. Riêng trong tuần từ ngày 29.4 đến 5.5, TPHCM có 420 ca tay chân miệng, tăng gấp gần 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện nội trú và khám ngoại trú.
Số ca bệnh tăng báo động ở hầu hết các địa phương, đặc biệt ở quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, quận Tân Bình, Khu vực 3 TP.Thủ Đức.
Theo các bác sĩ, trong giai đoạn này tình hình dịch bùng phát là điều đã được dự đoán trước. Bởi sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, học sinh đi học trở lại nên dịch bùng phát.
Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan - Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, điều cần làm hiện nay là không để có ca tử vong, hạn chế số ca nhập viện và chuyển sang cấp độ 2B (độ nặng).
Đồng thời, bác sĩ Hạnh Đan lo ngại, mùa tay chân miệng năm nay không theo mô hình dịch tễ những năm trước do tác động của COVID-19. Giới chuyên môn chưa đánh giá được virus gây bệnh có biến đổi hay không, nguy cơ trẻ vừa nhiễm COVID-19 vừa bị tay chân miệng cũng khiến việc điều trị thêm khó khăn.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh khi phát hiện con có biểu hiện sốt liên tục không giảm, chân, tay, miệng nổi các nốt nước hoặc phát ban thì nghi ngờ con mắc bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết mà đưa đi khám kịp thời, tránh tình trạng trẻ chuyển nặng chuyển nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.