Gấp rút giải ngân đầu tư công từ đầu năm
Sáng 13.1, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác giải ngân đầu tư công năm 2023, nhiệm vụ giải pháp năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, năm 2023, tổng số vốn đầu tư công của thành phố là 68.634 tỉ đồng. Dự kiến giải ngân cuối năm của TPHCM có thể đạt 49.400 tỉ đồng (đạt gần 72%).
Năm 2024, TPHCM được Thủ tướng Chính phủ giao tổng vốn đầu tư 79.263 tỉ đồng. Trong đó, tổng vốn ngân sách địa phương là 75.577 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 3.686 tỉ đồng. “Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử đầu tư công của thành phố” – bà Mai nói.
Những năm gần đây, số vốn giải ngân của TPHCM khá ỳ ạch đầu năm và chỉ thực sự tăng tốc các tháng cuối năm. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, 10 tháng năm 2023, thành phố chỉ giải ngân được 25.108 tỉ đồng (đạt 36,6%).
Chỉ đến cuối tháng 10, UBND TPHCM phát động thực hiện 60 ngày đêm thi đua giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 31.12, số vốn giải ngân đã tăng lên 43.490 tỉ đồng (đạt 63%).
“Trong tháng 11.2023, UBND TPHCM đã chỉ đạo hoàn tất xử lý 132 nội dung khó khăn vướng mắc của 92 dự án. Chỉ riêng việc này đã giúp TPHCM giải ngân thêm được 7.997 tỉ đồng” – bà Mai nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, sẽ dễ “đau tim” nếu kết quả giải ngân đầu tư công cứ phải đợi giờ chót. Với tinh thần không để năm 2024 lặp lại khó khăn như năm 2023, ông đề nghị kéo đợt thi đua giải ngân đầu tư công sang quý I/2024.
“Phải thực hiện ngay tinh thần này từ quý I để có điểm giậm chân trước để làm, sau đó mới có cơ may hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chứ như đá bóng, đi tới nửa đường rồi mà chưa có điểm thì chặng cuối rất vất vả, đứng ngồi không yên” – ông Nguyễn Văn Nên nói.
Không thể chấp nhận dự án chờ đợi 5-6 tháng
Nhận định đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng của TPHCM năm 2024, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị UBND TPHCM tăng cường kỷ luật, kỷ cương điều hành trong giải ngân đầu tư công.
UBND TPHCM phải có tổng tư lệnh, tư lệnh trong phối hợp, thực hiện giải ngân đầu tư công. Trong đó, phải phân công, giao việc rạch ròi, cụ thể, có thời gian, tiến độ đeo bám, giám sát và nhìn thấy rõ chuyện của mỗi người.
“Không thể chấp nhận được một dự án mà chờ 5-6 tháng, còn thời gian đâu mà làm. Phải rút kinh nghiệm ngay một cách nghiêm túc" - ông Nên yêu cầu.
Đồng thời, cần áp dụng chuyển đổi số vào quá trình giải ngân đầu tư công. “Làm sao cài đặt được tới việc của ai thì báo cho người đó, mà không cần nhắn tin” – ông Nguyễn Văn Nên đặt hàng cho trung tâm chuyển đổi số.
Liên quan đến chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn chứng tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương) là người được miễn trách nhiệm hình sự.
"Người này có sai, nhưng vì động cơ cứu người trong bối cảnh rất cấp thiết. Điều quan trọng là cựu Giám đốc CDC Bình Dương không nhận tiền hoa hồng, lại quả, kiên quyết từ chối" - Bí thư Nên nói và đánh giá đây là điều công bằng và hợp lý, đúng theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.
Do đó, người đứng đầu Thành ủy TPHCM đề nghị, trong những tình huống khó khăn, những việc vượt quá thẩm quyền của TPHCM thì tập hợp lại để báo cáo Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 do Thủ tướng làm trưởng ban, để xin ủy quyền, phân cấp mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố quyết tâm giải ngân đầu tư công trong quý I/2024 đạt từ 12-15%. Do đó, TPHCM cần tìm giải pháp và bắt tay thực hiện ngay từ đầu năm.
Ông Phan Văn Mãi cho hay, năm 2023, TPHCM đã xử lý trách nhiệm cơ quan hành chính, xử lý cán bộ đứng đầu, chủ đầu tư làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Do vậy, năm nay, TPHCM sẽ tập trung giám sát tiến độ, xử lý các nhà thầu yếu kém năng lực, trây ỳ, vi phạm hợp đồng, kể cả dự án ODA (vốn đầu tư nước ngoài) và dự án đầu tư công.
Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, vấn đề thủ tục đầu tư các dự án cũng là một trong những lý do kéo dài thời gian thực hiện, cản trở giải ngân đầu tư công. Do đó, cần phải điều chỉnh, thay đổi nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án.
Trong công tác bồi thường, cần tập trung vào thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và xác định giá đất bồi thường tiệm cận giá thị trường. Điều này nhằm tạo sự đồng thuận cao cho người dân, đặc biệt đối với đất xen cài trong đất nông nghiệp.