Theo phong tục của người Việt, lễ cúng tiễn ông Công ông Táo là hoạt động không thể thiếu trong những ngày cuối năm. Quan niệm dân gian cho rằng, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời báo cáo với Ngọc Hoàng mọi chuyện trong năm.
Trong khi đó, người Huế rất xem trọng căn bếp của gia đình, đến hẹn lại lên, các gia đình đều làm mâm cúng tươm tất đưa ông Táo về chầu trời.
Mọi năm, khi chưa xuất hiện mô hình trạm tiễn ông Công ông Táo, cứ sau lễ cúng, người dân sẽ thay mới bát nhang, quét dọn bàn thờ; đồng thời, đưa tượng ông Táo năm cũ cùng hoa giấy ra ngã ba, ngã tư, gốc cây và cột điện để vứt bỏ, gây mất mỹ quan đô thị.
Năm nay, rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy, triển khai thêm các điểm tiễn ông Táo tập trung để người dân có thể bỏ rác tâm linh sau khi cúng.
Cụ thể, phường Phường Đúc bố trí 3 điểm là 214 Bùi Thị Xuân, ngã tư Tôn Thất Tùng - Lịch Đợi - Trường Đúc; cầu Lòn. UBND phường Thuận Hòa bố trí 5 điểm: Ngã tư Ngô Thời Nhậm - Trần Nguyên Đán, ngã ba Lê Huân - Nguyễn Thiện Thuật, cửa Nhà Đồ, cửa Hữu, cống Thủy Quan.
Xã Phú Dương có 9 thôn, mỗi thôn cũng đặt một trạm tiễn ông Táo. Trong khi đó, tại phường Kim Long, từ 7 trạm thí điểm năm ngoái, năm nay đã tăng lên 13 điểm tập trung.
Tại phường An Cựu, có tổng cộng 18 điểm đặt tập trung, đáng chú ý, đây là năm thứ hai địa phương này triển khai bố trí các điểm tiễn ông Táo tập trung.
Qua mô hình, việc đặt và thu gom các rác thải tâm linh sau lễ cúng ông Táo là cách làm hay nhận được nhiều hưởng ứng tích cực. Không những thể hiện lòng thành kính với truyền thống tâm linh, mô hình còn giúp thay đổi ý thức con người, đặc biệt, giúp bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý nghĩa của ngày lễ.