Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tổ chức công bố trực tuyến báo cáo khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam ngày 2.6. Theo đó, MSD tiến hành khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam từ tháng 9.2019 đến tháng 2.2020 với sự tham gia của 1.692 trẻ em Việt Nam từ 11 đến 16 tuổi.
Đây là những trẻ em ở nông thôn và thành thị, trẻ em ở trong nhà trường và trẻ em ngoài nhà trường, trẻ em người dân tộc Kinh, người dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật.
Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp tới trẻ em, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.
Khảo sát cho thấy có tới 88.3% trẻ em tham gia khảo sát cho rằng mình còn có ít cơ hội hoặc không có cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. MSD nhận định, điều này chứng tỏ việc thực hiện quyền tham gia, tôn trọng ý kiến của trẻ em còn chưa được hiệu quả, thực chất.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của Cục Trẻ em. Cụ thể, hiện nay Cục Trẻ em đang hoàn thiện việc xây dựng Đề án thúc đẩy quyền tham gia của Trẻ em giai đoạn 2021-2025.
"Đặc biệt, trong quá trình xây dựng đề án, chúng tôi cũng lập kế hoạch để lấy ý kiến của trẻ em thông qua các hoạt động khác nhau như tham vấn trực tiếp, khảo sát trực tiếp, khảo sát trực tuyến,v.v…. để đảm bảo lắng nghe và tham vấn trẻ em nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của trẻ em" - bà Nga nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, lấy trẻ em làm trung tâm, lắng nghe trẻ em và hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ cần là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của của tất cả các bên liên quan trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em.
Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD cho rằng: “Người lớn cũng đã từng là trẻ em, nhưng chúng ta thường quên mất trẻ em cũng có những suy nghĩ độc lập, chín chắn, hiểu biết, và có các giải pháp và quyết định rất hiệu quả".
Vì vậy, theo bà Linh, chúng ta dù đang mải mê bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhân danh vì lợi ích của trẻ nhưng đôi khi quên mất lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng vô cùng chính đáng của trẻ em, và quên mất trẻ em có thể khởi xướng và đưa ra các sáng kiến, giải pháp vô cùng hiệu quả.
"Tôi hy vọng rằng Báo cáo Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam ngày hôm nay sẽ cho quý vị thấy tiếng nói trẻ em rất cần được ghi nhận và tôn trọng bằng hành động thực tiễn. Chúng ta cần cùng nhau chung tay xây dựng một môi trường, một hệ sinh thái để trẻ em có thể phát triển toàn diện, phát huy được hết tố chất và tiềm năng của mình"-bà Linh nói.