Bố trí lực lượng chống ùn tắc giao thông
Sáng 27.12, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Quý IV/2023 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành của thành phố về công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo Tết, nhất là công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và công tác tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Duy Phong cho biết, dịp Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các lực lượng thuộc Sở GTVT sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) tổ chức chốt trực ở 66 vị trí; phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã chốt trực tại 44 vị trí…
Đồng thời, tập trung bố trí lực lượng chống ùn tắc giao thông tại các bến xe, ga tàu, bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi trong Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Sở GTVT giao thanh tra giao thông phối hợp với Công an thành phố kiểm tra các vị trí trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố; tập trung xử lý các hiện tượng dừng đỗ phương tiện gây cản trở giao thông; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại vỉa hè, lòng đường thường xuyên xảy ra lấn chiếm buôn bán, kinh doanh.
Sở GTVT cũng tập trung kiểm tra, xử lý các nhà thầu công trình giao thông để xảy ra tình trạng vật liệu xây dựng cản trở an toàn giao thông. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đã có văn bản yêu cầu từ ngày 16.1.2024 các nhà thầu thi công công trình giao thông phải tạm dừng toàn bộ hoạt động thi công tại vỉa hè, đào đường để bảo đảm người dân đi lại thuận lợi.
Đảm bảo chất lượng hàng hóa dịp Tết
Tại hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã triển khai kế hoạch bình ổn giá của UBND TP Hà Nội, đến nay đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố với nhóm mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đảm bảo giá hợp lý, đúng quy định của Nhà nước để phục vụ nhu cầu của người dân.
Sở Công Thương, Sở Tài chính sẽ thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, rà soát kiểm soát giá phục vụ người dân trong dịp Tết.
Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá 40.900 tỉ đồng, có 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, gắn với chương trình bình ổn giá trị thường trên địa bàn, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa trước 3 tháng Tết, đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; đủ nguồn hàng đa dạng phong phú, chủ yếu khai thác thị trường nội địa phục vụ người dân trong dịp Tết, hàng nhập khẩu chỉ chiếm 7%-10%.
Sở Công Thương đã giao chỉ tiêu cho các danh nghiệp cung ứng trên địa bàn với gần 18 nghìn điểm bán hàng Tết, dự trữ hàng hóa có đơn vị đã cao hơn 3 lần kế hoạch giao, để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.