Chỉ dừng lại ở lao động thực tập
Trong năm học 2021-2022, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng vẫn luôn duy trì mối quan hệ với các Doanh nghiệp du lịch và ký kết thêm 10 doanh nghiệp, tổ chức (Belle Maison Parosand Hotel Danang, The Secret Côn Đảo, VinOasis Resort Phú Quốc, Tập đoàn Marriott, Vinpearl Luxury Đà Nẵng, Golden Bay Danang, Hội Khách sạn ĐN, Hội Lữ hành Đà Nẵng, Hiệp hội du lịch Quảng Nam) để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tổng số doanh nghiệp hợp tác đến năm 2022 đạt trên 100 doanh nghiệp.
Nhiều sinh viên sau thời gian thực tập tại doanh nghiệp đã được giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp như: Khách sạn Minh Toàn Galaxy, Naman Retreat; Premier Village Dannang, Cáp treo Bà Nà, Vinpearl Phú Quốc... Belle Maison Parosand Hotel Danang, Vinpearl Resort & Spa, Công ty CPDV.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mối liên hệ giữa Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng và doanh nghiệp chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp nguồn lao động thực tập cho các khách sạn, nhà hàng và công ty lữ hành; mời chuyên gia về giảng dạy chuyên đề, chấm thi; phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm và workshop về việc định hướng nghề nghiệp, truyền lửa đam mê nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành du lịch.
Tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng có hơn 30 doanh nghiệp trong các lĩnh vực nghề của chương trình chất lượng cao đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong công tác đào tạo, trong đó chỉ có một số doanh nghiệp tiếp nhận 100% sinh viên học chương trình chất lượng cao vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Theo Ths Nguyễn Duy Quang - Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng: “Điều này chưa đáp ứng được mong muốn của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo đầu ra cho sinh viên thông qua việc đại diện doanh nghiệp, là các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, các quản lý điều hành và các trưởng, phó bộ phận vận hành, tham gia vào công tác xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và đặc biệt là cam kết đơn hàng tuyển dụng đối với nhà trường”.
Đào tạo nguồn lực cho một số ngành mũi nhọn
Về vấn đề này, Ths Nguyễn Duy Quang cho biết, hiện nay TP.Đà Nẵng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cũng như có chính sách hỗ trợ rõ ràng cho các doanh nghiệp khi cùng tham gia đào tạo sinh viên với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời chính sách đặt hàng lao động đặc thù cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo hoặc hỗ trợ học phí cho đối tượng học nghề từ hệ cao đẳng đến bồi dưỡng ngắn hạn là những người lao động có hộ khẩu tại Đà Nẵng cũng chưa được chú trọng.
Một số phụ huynh, học sinh sinh viên có hộ khẩu ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận vẫn chưa định hướng và phân luồng giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2022, việc triển khai thực hiện xây dựng, biên soạn và thẩm định chương trình đào tạo cũng đã được các cơ sở GDNN chú trọng trong việc gắn kết vai trò của doanh nghiệp khi tham gia vào hội đồng thẩm định của mỗi chương trình đào tạo, từng bước nâng cao việc tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp sau đào tạo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo về thành phần Hội đồng thẩm định, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động theo quy định.
Trong thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.Đà Nẵng sẽ triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cùng với đó, đề nghị các cơ sở GDNN cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và khả năng tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo GDNN tại doanh nghiệp. Tăng cường hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo...