Đi Móng Cái. Đường phẳng lỳ, êm ái, xe mát, lái xe là một tay làm báo trẻ, điển giai, nhưng hay nhất vẫn là ít nói, bon thẳng xe một mạch đi Móng Cái thôi.
Nhất định phải lặp lại một điều, đường từ Hạ Long lên Móng Cái thật phẳng thật êm thật đẹp! Xe qua huyện Tiên Yên, vào những khúc cua biếc núi, tay nhà thơ đất mỏ thật thà, nóng tính và chắc chữ là Ngô Mai Phong, với tất cả sự nồng nàn dâng trào trong tình yêu không kìm nén dành cho xứ sở của mình, cảm thán: “Vùng này miền Đông cũng rất đẹp! Núi non Quảng Ninh đẹp u nhã”. Khen núi xứ mình như thế quả đã gần như “kịch đường tàu”: Núi đẹp u nhã.
2. Tháng 8, mấy ngày tôi về chơi Quảng Ninh, báo chí có bài viết nhắc lại, hay nói tiếp về “vụ xây nhà ở vùng lõi di sản thiên nhiên Thế giới - vịnh Hạ Long”, về “xã đảo Vĩnh Thực (Móng Cái) rừng thông bị “nhựa tặc” hoành hành,…
Nhưng, tôi nghĩ, việc nào đi việc nấy, những kẻ cố tình ngu ngốc phá hoại, làm sai, tham lam thì phải bị trị tội. Còn với những cái đẹp, cái hay thì vẫn cứ phải thấy mình vui - Quảng Ninh, Móng Cái - với những mảnh ghép xinh xắn của cảnh và người.
Và, một trong những mảnh ghép xinh xinh về người Quảng Ninh, với tôi, ấy chính là Thơm và Tằng người xã đảo Vĩnh Thực.
Thơm là chủ quán ăn ở bãi biển có cái tên rất ngộ: Bến Hèn. Không giải thích nguyên do cái tên của bãi biển, du lịch Móng Cái giới thiệu về Bến Hèn như sau: “Bến Hèn như một cung đàn mềm mại ôm trọn lấy xã đảo Vĩnh Trung; một thiên đường rộng mênh mang cát vàng, phẳng lỳ, ngút tầm mắt…”.
Quán của Thơm thức ăn nấu ngon, tính Thơm lởi xởi, hay chuyện. Tằng là lái xe đưa chúng tôi tham quan Vĩnh Thực.
Ngày cuối cùng từ Vĩnh Thực về lại Móng Cái, tôi biết mình đãng trí để quên cái ca tráng men sản phẩm của Nga ở quán của Thơm. Thế là loạn lên vài cuộc điện thoại ngược ra đảo Vĩnh Thực để hỏi điện thoại quán của Thơm.
Sáng hôm sau, ở Móng Cái, tôi nhận được “em” ca men của mình. Có thể, Thơm và Tằng hiểu được rằng tôi quý “em” ca bình thường ấy, mà họ, với rất nhiều cẩn thận và thật thà, lấy bìa các tông xiên xẹo bao quanh ca (chắc sợ ca bị xước, dù một vết nhỏ), quấn băng keo vài vòng thật chặt. Không rõ chữ Thơm hay chữ Tằng, lổm nhổm trên miếng bìa: “Đồ của khách bỏ quên. Số điện thoại của khách…”.
Tôi không lẩn thẩn ép dăm cái lá hoa khô, tìm nhặt vài quả thông, hay mang về Sài Gòn cành lau trắng của miền Đông đất mỏ, tôi giữ miếng bìa bọc “em” ca của mình quấn chặt băng keo với lổm nhổm mấy chữ “xấu như gà bới” ấy của người dân đảo Vĩnh Thực. Cũng một vẻ đẹp của tình người, tôi nghĩ.