Xử phạt người khai thác, người vận chuyển
Ngày 22.5, ông Đặng Trọng Vân – Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Văn Lương (47 tuổi, trú tại thôn Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vì đã thực hiện hành vi khai thác rừng trái pháp luật.
Hình thức xử phạt chính, là phạt tiền 30 triệu đồng và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính. Ông Lương còn bị buộc khắc phục hậu quả nộp hơn 8 triệu đồng là trị giá tang vật vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ trái quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Trạm Kiểm lâm Hướng Lập (Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa) cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Phùng Kim Hướng (48 tuổi, trú tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) với số tiền 7,5 triệu đồng và tịch thu hơn 1,6m3 gỗ vì đã vận chuyển lâm sản trái phép.
Ông Bùi Văn Duẩn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, hiện chỉ mới xử lý đối tượng chặt phá cây rừng tái sinh tự nhiên và người vận chuyển.
“Trước mắt là thế, tới đây Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa sẽ tiếp tục rà soát lại, làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan để xem xét xử lý” – ông Bùi Văn Duẩn, cho biết.
Đình chỉ việc khai thác, khoanh nuôi cây rừng tái sinh còn lại
Trước câu hỏi, cơ quan chức năng chỉ mới kiểm tra các địa điểm có cây rừng tái sinh bị đốn hạ mà báo Lao Động đã nêu, hay đã kiểm tra cả những diện tích khác? Ông Lê Quang Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa nói rằng, vì thời gian gấp rút, nên chỉ mới kiểm tra được các tọa độ trong bài viết của báo đề cập.
“Bước đầu, đã kiểm tra và xử lý các thông tin báo nêu. UBND huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các diện tích khác, sau khi có kết quả, sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan” – ông Lê Quang Thuận nói.
Cũng theo ông Thuận, khi có phản ánh và kiểm tra thông tin phản ánh là đúng, UBND huyện Hướng Hóa đã ngay lập tức đình chỉ việc khai thác rừng ở 2 tiểu khu 653 và 671. Tiếp đó, đã kết thúc việc khai thác rừng ở đây, và yêu cầu lực lượng chức năng khoanh vùng, bảo vệ các diện tích có cây rừng tái sinh tự nhiên.
Trước khi cơ quan chức năng có động thái xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ, kết thúc việc khai thác thác rừng ở tiểu khu 653 và 671, phóng viên báo Lao Động đã có mặt tại 2 tiểu khu.
2 tiểu khu trên ban đầu là đất rừng phòng hộ, được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 trồng rừng bằng nguồn vốn dự án 661. Nằm xen giữa rừng trồng, có nhiều khoảnh rừng có cây rừng tái sinh tự nhiên phát triển mạnh. Khi 2 tiểu khu được chuyển đổi sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, được bàn giao cho UBND huyện Hướng Hóa quản lý, thì được tổ chức khai thác, thanh lý diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, quá trình khai thác rừng trồng, đơn vị khai thác đã đốn hạ luôn cây rừng tái sinh tự nhiên.
Sau khi báo nêu, cơ quan chức năng huyện Hướng Hoá đã đi kiểm tra, phát hiện xe ôtô chở gỗ rừng tái sinh tự nhiên được khai thác ở tiểu khu 653 và 671. Bên cạnh đó, kiểm tra các tọa độ báo nêu, phát hiện 20 cây rừng tái sinh tự nhiên đã bị đốn hạ, chỉ còn phần gốc.