Liên quan đến việc xử lý tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến cán bộ, Đảng viên, gia đình Đảng viên... được báo chí "phanh phui" trong thời gian qua, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cho biết, cần phải phân loại những trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý cụ thể.
"Xử lý xây dựng trái phép phải đảm bảo chỗ ở cho người dân, do đó phải phân loại xem trường hợp vi phạm có phù hợp quy hoạch không, nếu phù hợp, không có tranh chấp, họ không còn chỗ ở nào khác thì phải hợp thức hóa, tạo điều kiện cho họ làm nghĩa vụ để có được một chỗ ở hợp pháp.
Trường hợp không phù hợp với quy hoạch, có tranh chấp, đã có nơi ở khác nhưng vẫn cố tình lấn chiếm, vi phạm thì phải có phương án xử lý. Trường hợp xây nhà trái phép nhưng không còn chỗ ở nào khác, nếu cương quyết giải tỏa thì phải tính toán bố trí nhà ở xã hội, tạm cư cho họ. Bởi, quyền có chỗ ổn định là quyền cơ bản của công dân nên việc giải quyết phải hài hòa", ông Lê Kim Toàn nói.
Theo ông Lê Kim Toàn, thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương chọn những trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép để xử lý trước. Về việc xử lý diện rộng thì các đơn vị, địa phương cần phải tính toán giải pháp căn cơ.
Điểm "nóng" của công trình trái phép
Tại khu vực 5, phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), nơi xảy ra hàng loạt trường hợp cán bộ, Đảng viên lấn chiếm, xây nhà trái phép trên đất đồi, đất rừng... Trong đó, trường hợp ông Nguyễn Tân - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định gây xôn xao dư luận.
Tiếp đến, nhà ông Thái Thành Long - bác sĩ tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bình Định; nhà bà Trần Thị Thanh Tuyền (vợ ông Võ Văn Hoan - nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định); ông Võ Văn Toàn - từng là cán bộ Trường Đại học Quy Nhơn, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo phường Quang Trung, trên địa bàn có 158 trường hợp chiếm đất đồi để xây nhà trái phép.