Nộp phạt trước, khiếu nại sau
Đối với phương tiện lưu thông trên đường bị lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện ra tín hiệu dừng xe thì thì chủ phương tiện cần lưu ý mấy điều sau:
Cần quan sát CSGT xem có biển tên hoặc thẻ xanh không. Khoản 3 điều 8 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định: Khi tuần tra, kiểm soát công khai phải sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an. Như vậy, nếu CSGT sử dụng đúng trang phục mới được quyền thực hiện điều lệnh dừng phương tiện đang lưu thông.
Cũng theo Thông tư này thì trường hợp thực hiện lệnh tổng kiểm soát thì 1 CSGT cũng có thể dừng phương tiện.
Khi tiến hành kiểm soát, nếu người tham gia giao thông có hành vi vi phạm giao thông thì sẽ bị xử lý phạt hành chính tuỳ theo lỗi căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2020.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp người tham gia giao thông thấy mình không có lỗi mà CSGT vẫn tiến hành xử phạt, lập biên bản thì tuyệt đối không đôi co, văng tục vì có thể sẽ phạm tội chống người thi hành công vụ.
Trong trường hợp CSGT vẫn lập biên bản mà không chứng minh được lỗi thì người tham gia giao thông vẫn phải ký vào biên bản và phải ghi ý kiến của mình vào biên bản. Ví dụ như: Tôi không đồng ý với quyết định xử phạt số... của công an, cảnh sát..., tôi không có lỗi, tôi không đồng ý với quyết định xử phạt này...
Sau đó mới tiến hành khiếu nại đề nghị giải thích, đưa ra bằng chứng và giải quyết cho mình.
Có các hình thức khiếu nại như trực tiếp hoặc qua đơn, trong đó phải ghi rõ lý do khiếu nại.
Theo điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt trừ khi quyết định xử phạt đã được tạm đình chỉ.
Khi bị CSGT xử phạt, người tham gia giao thông vẫn phải nộp phạt. Sau đó, nếu không đồng ý với quyết định xử phạt thì phải khiếu nại trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định, hành vi hành chính. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Được ghi âm, ghi hình giám sát CSGT
Người dân có thể ghi âm, ghi hình để thực hiện quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Đây là nội dung trông thông tư 67 có hiệu lực từ 15.1.2020.
Điều 11, Thông tư 67 của Bộ Công an quy định hình thức giám sát đó là thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Tuy nhiên Thông tư 67 cũng quy định việc ghi âm, ghi hình phải không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, Thông tư 67 cũng quy định người dân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo tính trung thực, khách quan. Nghĩa là phải phản ảnh đúng sự thật, nội dung ghi âm, ghi hình không được cắt xén chỉnh sửa để phục vụ ý đồ riêng.
Việc sử dụng các tài liệu, băng ghi âm, ghi hình phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Khi đăng tải, phát tán các thông tin mà vi phạm các vấn đề về bí mật đời tư, vi phạm các vấn đề liên quan tới xúc phạm danh dự, nhân phẩm, an toàn thông tin… thì người đưa lên phải chịu trách nhiệm trước các quy định của pháp luật.
Nếu thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý từ hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội vu khống (quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 228 Bộ luật Hình sự).