Đang chìm vào giấc ngủ sâu khoảng 3h sáng, bệnh nhi C (13 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) bất ngờ bị rắn cắn vào đùi, người cha đã nhanh tay bắt được con rắn và nhìn những vân trắng đen của con rắn, gia đình đã biết là rắn cạp nia. Vết cắn nhỏ trên đùi, nhưng chỉ 1 tiếng sau bệnh nhi C đã bắt đầu “xụi lơ”.
Tự chữa tại nhà không được, gia đình đã tức tốc đưa em đến Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai), sau đó lại chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cấp cứu. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, gia đình được thông báo Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết huyết thanh trị nọc độc rắn cạp nia nên chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cấp cứu.
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Chúng tôi nhận được thông báo của phòng dược trong kho còn 5 lọ huyết thanh đa giá có thể cứu bệnh nhi nên tức tốc bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Lúc bệnh nhi qua hai đồng tử đều giãn, gần tử vong. Sau khi hội chẩn khẩn cấp và quyết định cho bệnh nhi sử dụng 5 lọ huyết thanh đa giá cuối cùng, bệnh nhi đã có dấu hiệu cử động trở lại. Lúc đó, chúng tôi mới thở phào vì bệnh nhi sống rồi”.
Huyết thanh kháng độc khi bị rắn cắn được xếp vào dòng thuốc hiếm. Hiện nay, tại Việt Nam mới tự chủ sản xuất được huyết thanh rắn lục, rắn hổ mang và hổ đất. Những năm qua, đa phần bệnh nhân bị tấn công là rắn cạp nia và rắn chàm quạp. Thế nhưng, các công ty rất ngại sản xuất những loại huyết thanh này vì lỗ.
Chính vì vậy, khi biết được đặc điểm địa hình, khí hậu của Việt Nam tương đồng với Thái Lan, nên các bệnh viện đã chủ động liên hệ với các công ty dược đặt mua giúp huyết thanh đa giá này. Hiện nguồn thuốc từ Hội Chữ thập đỏ Thái Lan rất nhiều.
Hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dù là tuyến cuối của phía Nam nhưng cũng chỉ còn mỗi huyết thanh kháng độc rắn lục.
Cũng theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, trong trường hợp không có huyết thanh kháng độc thì phần lớn bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, đa phần khi bị rắn cắn bệnh nhân sẽ bị những rối loạn tổn thương đa cơ quan, khi này các bác sĩ sẽ hỗ trợ điều trị các tổn thương này. Ví dụ, khi bị rắn cạp nia cắn nếu không có huyết thanh kháng độc, bác sĩ sẽ hỗ trợ bệnh nhân thở vài tuần, khi độc lực của rắn hết tác dụng, bệnh nhân có thể phục hồi nhưng rất chậm và nguy cơ để lại di chứng cao hơn. Nhưng đa phần, nếu không có huyết thanh kháng độc tỉ lệ tử vong rất cao.
Đơn cử như sự việc diễn ra vào tháng 5.2022 tại tỉnh Phú Yên có một bệnh nhi bị rắn cạp nia cắn khi đang ngủ. Dù đưa đi cấp cứu ngay, nhưng bệnh viện địa phương không có huyết thanh kháng độc. Liên hệ vào TPHCM, các bệnh viện lớn cũng không còn thuốc giải khiến bé gái tử vong sau đó.
Tháng 4.2021, bệnh nhi 15 tháng tuổi ở Đồng Tháp bị rắn cổ đỏ cắn. Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM liên hệ khắp nơi nhưng không có huyết thanh kháng độc loại này. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi chảy máu toàn thân, suy hô hấp và tử vong.
"Điều quan trọng nhất khi bị rắn cắn là sơ cứu đúng và đến bệnh viện ngay", bác sĩ Phạm Văn Quang nhấn mạnh.