Vừa qua, bé gái 4 tuổi ở tỉnh Phú Yên không may bị rắn cạp nia cắn, để cứu bệnh nhi gia đình đã liên hệ một số bệnh viện lớn tại TPHCM để xin cấp huyết thanh nọc rắn cạp nia, nhưng đều được thông báo hết. Sau 5 ngày điều trị tích cực khi bị suy thận, bé gái đã không qua khỏi vì các bệnh viện không có huyết thanh kháng độc.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, hiện bệnh viện chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, rắn lục đen, rắn chàm quạp, còn huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia đã hết từ lâu.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 lý giải do các trường hợp bị rắn cạp nong, cạp nia cắn không nhiều nên các công ty ít khi nhập về vì sợ lỗ. Bên cạnh đó, khi bị rắn này cắn có thể điều trị thay thế bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân sẽ được thở máy khoảng hai tuần, tiên lượng sống cao.
Còn ghi nhận tại Bệnh viện Chợ rẫy TPHCM, khoảng 1 năm nay, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia đã hết. Trước kia, loại huyết thanh này được nhập khẩu từ Thái Lan nhưng do đại dịch COVID-19, huyết thanh này chưa sản xuất nên tại Việt Nam không có huyết thanh này sử dụng.
TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, khi bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn sẽ có những triệu chứng đau người, đau họng, sụp mi, há miệng hạn chế sau đó nuốt khó, liệt các cơ hô hấp và liệt chi, ngọn chi thường liệt cuối cùng. Liệt với tính chất liệt ngoại biên, đối xứng hai bên, liệt kiểu lan xuống (từ đầu trở xuống), khi hồi phục thì ngọn chi thường là nơi hồi phục trước.
Điều quan trọng là bệnh nhân được cấp cứu kịp thời khi rắn cắn, vì nọc rắn khi chưa xâm nhập vào cơ thể nhiều thì bệnh nhân sẽ được cho điều trị theo phương pháp thở máy, giải hoàn toàn độc tố đến khi hết độc trong người. Nếu có huyết thanh kháng rắn nọc cạp nia thì khả năng hồi phục nhanh hơn.
Cũng theo bác sĩ Hùng, không chỉ huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia mà bệnh viện còn thiếu cả huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa.