Sự cố gắng chưa bao giờ muốn ngưng
Vừa trải qua cuộc phẫu thuật não úng thủy đặc biệt, bệnh nhi 11 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk đang được bác sĩ Quang Mỹ chăm sóc và kiểm tra sau mổ.
Đứng từ phía góc giường, chị H’Nhu H’Win - mẹ bệnh nhi bất ngờ vì con dần dần hồi phục sau ca phẫu thuật đặc biệt này.
“Cách đây 10 năm, con tôi đã từng mổ bệnh não úng thủy 1 lần. Ngỡ tưởng con khỏe rồi nhưng khoảng thời gian gần đây bé bắt đầu có biểu hiện nôn ói, đau đầu, mệt mỏi nên gia đình rất hoang mang. Trong lúc đang tuyệt vọng, tôi có lên trên mạng và biết được trang fanpage “Bác sĩ bé đầu bự” nên vào nhắn tin hỏi mong chờ được giúp đỡ. Vì nhà quá nghèo nên không đưa con đi bệnh viện được mà chỉ nhắn tin hỏi để tự điều trị tại nhà. May mắn tôi được bác sĩ Quang Mỹ động viên đưa con lên bệnh viện cấp cứu vì triệu chứng của bé nặng nếu không mổ kịp thời sẽ tử vong. Bác còn dặn tiền bạc tính sau giờ cứu bé đã. Sau ca phẫu thuật tôi rất biết ơn bệnh viện và ekip bác sĩ Mỹ đã cứu con tôi kịp thời”, chị H’Nhu H’Win xúc động chia sẻ.
Những năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 chăm sóc và điều trị cho hàng trăm bệnh nhi mắc não úng thủy nặng. Đa phần những bệnh nhi đến đây đều trong hoàn cảnh nghèo, không có khả năng chi trả viện phí. Đặc biệt, có không ít những bệnh nhi từ Campuchia cũng qua đây để được điều trị bệnh não úng thủy. Chính vì vậy, sự cố gắng giành giật là sự sống cho những bệnh nhi đặc biệt này chưa bao giờ thôi ngưng tại đây.
Những cuộc mổ kéo dài sự sống
Đồng hồ vừa điểm lúc 11h30 cũng là lúc bác sĩ Quang Mỹ được nghỉ ca trực sau 24h trực xuyên đêm. Nhìn dọc hành lang bệnh viện dài, bác sĩ Mỹ không khỏi chạnh lòng khi mỗi ngày vẫn còn nhiều bệnh nhi nhập viện vì căn bệnh não úng thủy. Và mỗi lần nhắc đến cơ duyên tiếp cận, điều trị cho những bệnh nhi này, bác sĩ Mỹ chưa bao giờ quên hành trình ý nghĩa mà mình đang theo đuổi.
Năm 2007, khi chỉ vừa cầm tờ giấy đậu Đại học Y dược TPHCM, trong đầu chàng trai trẻ lúc bấy giờ rất nhiều hoài bão đã được vạch ra để gắn bó với nghề. Thế nhưng, học y rất khó và phải nỗ lực cố gắng mỗi ngày mới có thể đạt được niềm mong ước cứu người.
Sau nhiều năm học trường y, bác sĩ Mỹ nhìn thấy thông báo tuyển dụng của Bệnh viện Nhi đồng 2 nên quyết định xin vào làm. Tại đây, bác sĩ Mỹ càng hiểu hơn nỗi sợ của bệnh tật đang bủa vây trên những cơ thể nhỏ bé.
Để nâng cao tay nghề, bác sĩ Mỹ được Bệnh viện cử đi học tại Mỹ và từ đây cơ duyên đến với công tác điều trị chuyên sâu cho những bệnh nhi mắc bệnh não úng thủy bắt đầu.
“Với phẫu thuật thần kinh nhi, tỉ lệ mắc bệnh não úng thủy là nặng nhất. Ví dụ ở nước ngoài, cứ 10 ca phẫu thuật ngoại thần kinh thì chiếm 5 ca mắc bệnh não úng thủy. Còn tại Việt Nam ít hơn khoảng 3 ca. Bệnh viện yêu cầu phải học tất cả để có thể trường hợp cấp cứu đến bất cứ lúc nào mình bắt buộc phải làm, nhưng chuyên sâu thì tôi chuyên sâu não úng thủy”, bác sĩ Quang Mỹ chia sẻ.
Đối với những bác sĩ trẻ, quá trình học hỏi và thực hành là bước đệm để nâng cao tay nghề và chạm dần đến mong ước cứu người thành công. Bác sĩ Mỹ cũng vậy, trước năm 2016 bác sĩ Mỹ vẫn là những bác sĩ trẻ nên cần được làm việc dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ đi trước.
“Tôi nhớ nhất ca mổ đầu tiên mình mổ chính, đặt ống dẫn lưu cho bệnh nhi não úng thủy. Trước đó tôi đã làm vài trăm ca, nhưng lần này là bác sĩ chính mổ tôi cảm thấy lo lắng, không biết bệnh nhân sau mổ như thế nào, cũng may mắn bệnh nhân ổn định tốt. Thực sự áp lực nhiều vì sợ mổ không thành công, nhưng may mắn là khởi đầu của tôi được nhiều người hỗ trợ, giúp cho mình dần dần quen việc.
Dù sao mổ cũng cần ekip chuyên nghiệp, nhiều người cùng phối hợp dần dần từ áp lực trở thành quen. Cũng phải nhấn mạnh rằng, mỗi một ca mổ đều có những giây phút quan trọng, nếu chỉ cần một thao tác của mình không chuẩn xác thì phải trả giá bằng sức khỏe bệnh nhi”, bác sĩ Mỹ ngập ngừng chia sẻ.