Tính đến ngày 14.3, 492.124 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Hà Nội đang được theo dõi, điều trị tại nhà. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu một F0 điều trị tại nhà sau 7 ngày có kết quả test nhanh âm tính (thực hiện lấy mẫu theo hướng dẫn) sẽ được dỡ bỏ cách ly.
Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì F0 tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine.
Trước ý kiến người mắc COVID-19 chỉ sau 2-3 ngày đã âm tính, chuyên gia y tế có những lý giải liên quan đến vấn đề này.
ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nhận định, bệnh nhân hết triệu chứng và cho kết quả âm tính SARS-CoV-2 chỉ sau vài ngày từ khi khởi phát bệnh, không đồng nghĩa với việc người đó đã khỏi bệnh.
Với các trường hợp có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19 cần được theo dõi chặt diễn biến sức khỏe, nhất là chỉ số SpO2 trong 10 ngày đầu tiên, để có thể kịp thời phát hiện dấu hiệu diễn biến nặng. Nếu qua 10 ngày, tình trạng của bệnh nhân ổn định, virus không tấn công vào phổi thì mới có thể an tâm.
Thực tế hiện nay, số F0 nhẹ/không triệu chứng chiếm đại đa số. Sau khi tự test nhanh cho kết quả âm tính SARS-CoV-2, các triệu chứng đã biến mất, không ít F0 xuất hiện tâm lý chủ quan: Âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Từ đó, họ bỏ hết việc theo dõi sức khỏe, chỉ số SpO2. Đây là thực trạng rất đáng báo động.
Cũng theo bác sĩ Phúc, không loại trừ trường hợp nhiều người có kết quả test nhanh âm tính chỉ 3 - 4 ngày sau khi khởi phát triệu chứng chỉ là âm tính giả. Trong đó, người dân tự lấy mẫu tại nhà không đúng quy trình, vị trí hoặc độ nhạy của test nhanh không cao, dẫn đến kết quả hiển thị không chính xác.
Bác sĩ Phúc phân tích, một người khi mắc COVID-19 sẽ trải qua 3 pha của bệnh:
- Pha nhiễm cấp: 0 - 5 ngày đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Trong pha này, virus SARS-CoV-2 bắt đầu tấn công vào cơ thể người bệnh cũng như bắt đầu quá trình nhân lên mạnh mẽ. Khả năng người bệnh xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 trong pha này là rất cao.
- Pha phổi: 5 - 10 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng: Trong giai đoạn này, tải lượng virus của người bệnh sẽ giảm xuống rõ rệt. Do đó, nếu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong giai đoạn này có thể cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, virus có thể tấn công vào phổi của bệnh nhân
- Pha miễn dịch: Giai đoạn này chủ yếu liên quan đến các bệnh nhân diễn tiến nặng, bị viêm phổi ARDS, có sốc… và phải hồi sức, cấp cứu.
ThS.BS Nguyễn Thu Hường (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, sau 3 ngày bệnh nhân hết triệu chứng lâm sàng, nhân viên y tế sẽ thực hiện test nhanh. Nếu âm tính, bệnh nhân được xuất viện, nhưng chưa thực sự an toàn và yên tâm. Bệnh viện khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm 5K và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Theo bác sĩ Hường, F0 điều trị tại nhà liên tục test nhanh là không khoa học, không hiệu quả và gây tốn kém, lãng phí. Bà khuyến cáo những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh không cần test nhanh mỗi ngày mà thay vào đó là chu kỳ ngày thứ 3, 5, 7 kể từ thời điểm tiếp xúc gần với F0.
"Test nhanh âm tính không thể kết luận cơ thể hết hoàn toàn virus. Có thể thời điểm lấy mẫu, nồng độ virus thấp nên chưa bắt kịp. Tuy nhiên, nếu người bệnh sau khi âm tính không theo dõi sức khỏe có thể khiến virus nhân lên, gây nên tình trạng tái dương tính và xuất hiện triệu chứng như khi mắc COVID-19" - bác sĩ Hường cho hay.