Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã, trong đó biến thể BA.2 chiếm hơn 80% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron. Điều đáng nói, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
Trước việc biến thể Omicron "tàng hình" đang chiếm ưu thế, không ít người tỏ ra thắc mắc về việc đã khỏi COVID-19 có khả năng miễn dịch trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng. Thế nhưng thực tế, có trường hợp người tái dương tính sau khoảng thời gian chỉ 1 tháng.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) nhận định, các bệnh nhân tái nhiễm sau thời gian rất ngắn có thể do biến chủng mới. Bên cạnh đó, một giả thiết được bác sĩ Hoàng đưa ra, là có thể lần xét nghiệm âm tính đầu tiên, bệnh nhân lấy mẫu không chuẩn, hoặc có thể lúc này SARS-CoV-2 không còn trong dịch tỵ hầu nữa nhưng ở sâu trong phổi vẫn còn.
Sau khi biết âm tính, bệnh nhân không chú trọng bảo vệ sức khỏe, cơ thể yếu đi khiến virus vẫn còn trong phổi hoạt động trở lại, làm xuất hiện các triệu chứng và xét nghiệm cho thấy tái dương tính. Chính điều này khiến bệnh nhân nhầm tưởng họ tái nhiễm, trong khi thực tế chỉ là tải lượng virus còn dư kể từ lần nhiễm trùng ban đầu.
"Để chắc chắn là tái nhiễm, cần giải trình tự gene virus. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm", bác sĩ Hoàng nói.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho biết, có trường hợp tái nhiễm COVID-19 nhưng không quá nhiều.
Theo ông Hải, trước đây, nhiều người nhiễm chủng Delta, giờ phổ biến chủng mới Omicron, hai chủng khác nhau “có miễn dịch một chút tuy nhiên không phải hoàn toàn".
Với cơ chế trên, người mắc Omicron có thể sẽ tái nhiễm Omicron, nhưng ở dòng phụ khác. Ví dụ, người đã mắc Omicron BA.2 vẫn có nguy cơ nhiễm BA.1, BA.3. Để kết luận chính xác, phải xác định lần 1 họ nhiễm biến thể nào, lần 2 nhiễm biến thể nào. Không thể nhận định chung chung hoặc dựa vào test nhanh. Hiện nay, xét nghiệm PCR có thể nhanh chóng xác định biến thể SARS-CoV-2.
"Biến chủng liên tục thay hình đổi dạng, thay tính chất miễn dịch, cơ thể không nhận diện được vẫn bị nhiễm lại", PGS.TS Hoàng Bùi Hải thông tin.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho rằng, các chủng khác nhau sẽ có thể lây nhiễm, người đã tiêm vaccine hay đã bị nhiễm vẫn phải thực hiện tốt 5K để đảm bảo mình không bị nhiễm và không phải trung gian lây nhiễm cho người khác. Những ai chưa tiêm vaccine nên tiêm đủ để bảo vệ sức khoẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền. Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh lại chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc một F0 khác mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.
Việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau (mắc biến chủng Delta và tái nhiễm biến chủng Omicron và ngược lại).
"Thông thường, sau 1 đến 2 tháng từ khi khỏi COVID-19, người bệnh có khả năng tái nhiễm và nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn sau khoảng 3 tháng do nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian", chuyên gia nói.