Nhân viên nói giúp đỡ chỉ vì thân quen?
Ngày 7.11, sau khi Báo Lao Động có đăng tải bài viết “Bệnh viện Bạch Mai: Mất 500.000 đồng để được dẫn đi khám nhanh”, đại diện Báo đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng những người liên quan.
Tại buổi làm việc, nhân viên N.T.T.H (tổ đón tiếp) - người được “cò” S. giới thiệu là giúp đỡ in phiếu khám đầu tiên và hỗ trợ cho những phòng khám khó – giải trình: “Tôi hoàn toàn không nằm trong chuyện tiền nong hay đường dây gì cả. Năm 2017, chị S. là người tôi thuê chăm sóc bố tôi ở Khoa Cấp cứu. Tối 24.10, chị S. có nhắn là mai có đứa em ở Thái Bình ra khám nên mua giúp chị cái phiếu khám. Đây cũng là chuyện bình thường thôi để tránh việc “áo trắng” đưa vào chen ngang khiến các bệnh nhân phản ứng. Sau khoảng 9h, chị S. xuống mua thêm một phiếu khám khác và năn nỉ là giúp chị để được khám nhanh với, nên em có ghi dòng chữ “Chị ơi! Chị giúp em nhé!” vào giấy khám bệnh ở phòng tiếp theo”, nhân viên H. lí giải.
Thế nhưng, trái ngược với những lời nhân viên N.T.T.H giải trình, đối tượng S. luôn luôn khẳng định có quen biết và luôn nhờ H. mua phiếu khám sớm. Cứ có khách đặt hàng đưa đi khám nhanh là S. nhờ H. in phiếu số thứ tự đầu tiên. Sau đó, S. sẽ vận dụng kinh nghiệm của mình dẫn khách đi khám các phòng. Ở những phòng khám bác sĩ khó khăn, S. sẽ nhờ đến H. “ra tay” để được khám nhanh.
"Cò" chuyên nghiệp
Ngay từ cuộc điện thoại ra giá để khám nhanh đầu tiên, S. đã luôn miệng khẳng định có H. giúp đỡ nên chắc chắn sẽ chỉ khám trong vòng buổi sáng nhưng “giá tiền” sẽ khác.
Sau khi bài báo đăng tải, S. tiếp tục khẳng định với PV Báo Lao Động là mình nhận đưa người đi khám nhanh để “làm phúc” (???).
“Chị nhờ người (nhân viên N.T.T.H – PV) lấy phiếu sớm, rồi giúp các thứ cho mà em lại đăng báo. Thế lần sau em còn muốn nhờ đưa đi khám nhanh nữa không mà lại làm vậy? Người ta (nhân viên N.T.T.H – PV) đi làm từ 5h sáng in cho cái phiếu khám sớm thôi chứ cái gì đâu. Chị H. lấy giúp phiếu khám sớm thì cũng phải cám ơn một tí... Người ta (nhân viên N.T.T.H – PV) săn sóc như thế, phòng khám thứ 2, các em yêu cầu sau vào lúc khoảng 9h30 nên không lấy được phiếu khám sớm, chị H. còn gọi điện lên tận phòng khám nhờ chị L.A sang gặp bác sĩ nói khám sớm cho em còn muốn như thế nào nữa? Người ta toàn “làm phúc” thôi em ạ. Có mấy trăm nghìn không thích thì chị trả lại tiền.”, S. khẳng định.
Trong quá trình điều tra, PV Báo Lao Động thu thập được nhiều chứng cứ khẳng định S. là một đối tượng dẫn người đi khám nhanh chuyên nghiệp. S. có thể không cần đến xếp hàng mà vẫn lấy được phiếu khám sớm, không cần chờ đợi như hàng trăm bệnh nhân khác để được nộp phí khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, S. cũng có thể nhờ được người viết “bùa hộ mệnh” hoặc những cuộc điện thoại “thần thánh” để được chen ngang vào khám sớm đối với những phòng bác sĩ khó.
Khi có bệnh nhân đặt lịch khám nhanh, S. sẽ yêu cầu bệnh nhân cung cấp đầy đủ họ và tên, ngày tháng năm sinh và quê quán. Sau đó, tối hôm trước S. sẽ báo với nhân viên bệnh viện để được lấy phiếu số 1.
Theo lịch trình của S. 5h sáng bắt đầu di chuyển từ Sơn Tây đến Bệnh viện Bạch Mai bằng xe buýt. S nói: “Chị đi sớm cho đỡ tắc đường chứ không phải xếp hàng lấy phiếu. Vì tối hôm trước chị đã nhắn thông tin để hôm sau chị H. đến sớm lấy luôn cho mình phiếu số 1”.
Cứ như vậy, nghiễm nhiên dù đến muộn như thế nào thì S. đều có trong tay phiếu khám số 1 và giúp đỡ bệnh nhân thực hiện khám nhanh. S kể: “Chị làm mãi ở đây phải quen chứ. Chị quen đầy người, chủ yếu nhờ chị H. thôi. Chị chỉ đưa đến các phòng, nhưng chị H. sẽ nhờ các bác sĩ, chị sao nhờ được”.
Mỗi ngày S. không dám nhận nhiều bệnh nhân vì không có sức để đưa hết các bệnh nhân đến phòng khám. Hôm nào nhiều bệnh nhân đặt lịch khám nhanh, S. phải chia đều các ngày, tránh dồn dập để không bị nghi ngờ. S không quên chia sẻ: “Với những nhà có điều kiện, họ cho chị 500 nghìn và chị H. 500 nghìn”.
Khi đã lo liệu cho bệnh nhân được khám nhanh, S. ngồi ngoài chờ và liên tục nhận được các cuộc điện thoại “đặt hàng” khám nhanh vào ngày hôm sau. Trong đó, S. không quên chia sẻ mai sẽ giúp bệnh nhân tên Đ.N.S (1953, Hải Phòng) khám nhanh tại Bệnh viện Bạch Mai.
Không nhận ra đối tượng S. không xứng đáng làm ở Khoa Khám bệnh
Ông Nguyễn Tôn Đạo, Trưởng phòng Bảo vệ an ninh trật tự cho hay: "Đối tượng S. cách đây hơn một năm đã vào trong “tầm ngắm” của chúng tôi và công an phường. Đối tượng S. có hiện tượng đưa người đi khám nhiều lần, thậm chí có những hiện tượng lừa đảo nhưng không có bằng chứng đầy đủ để xử phạt. Thậm chí, đối tượng S. đã bị “cấm cửa” ở Khoa U Bướu.
“Riêng các đối tượng trộm cắp, cò mồi... nói người khác không biết thì còn được. Nhưng nếu nhân viên hướng dẫn của Khoa Khám bệnh nói là không biết thì đừng làm ở khoa khám bệnh nữa. Ngày nào cũng ở đấy, cũng tiếp xúc với người bệnh, chỉ cần đối tượng nào một tuần bắt gặp một vài lần là biết ngay”, ông Đạo thẳng thắn bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – nói: “Bệnh viện Bạch Mai đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Sau đó, dựa vào quy chế của Bệnh viện sẽ có xử lý cuối cùng. Bệnh viện luôn ý thức được rằng cố gắng giữ hình ảnh và thương hiệu của bệnh viện, nhân dân nuôi sống bệnh viện, nhân viên là người thầy của bác sĩ, mình mất uy tín không thể sống được. Qua phản ánh của báo chí, tôi khẳng định có hiện tượng. Tuy nhiên, để xử lý được phải có bằng chứng rõ ràng”.