Bác sĩ cũng chờ máu
Trao đổi với Lao Động, bác sĩ chuyên khoa II Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - cho biết: Bệnh nhân vào đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, đa số là những bệnh nặng nguy kịch, trường hợp rối loạn đông máu giảm tiểu cầu thường xảy ra đặc biệt là những ca rối loạn đông máu khi bị nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng. Kể cả các bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu như ung thư máu hoặc bệnh lý về xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch cũng điều trị tại đây.
Theo bác sĩ Phước, trong trường hợp bệnh nhân không chuyển lên tuyến trên, hoặc những ca không đủ điều kiện để chuyển lên tuyến trên vì quá nặng, các bác sĩ phải chấp nhận chờ đợi tiểu cầu để tiến hành điều trị.
“Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là nơi tập trung những bệnh nặng từ đơn vị khác chuyển tới. Nhưng hiện nay, trước khi bệnh nhân đến đây, chúng tôi phải hỏi các bệnh viện là có tình trạng giảm tiểu cầu nặng hay không. Nếu có thì đề xuất chuyển lên TPHCM để giúp bệnh nhân đỡ mất thời gian và tốn kém.
Do đó, không chỉ bản thân tôi mà tất cả các đồng nghiệp tại ĐBSCL đều mong muốn có tiểu cầu để điều trị cho bệnh nhân, giúp họ hồi phục sức khỏe” - bác sĩ Phước chia sẻ.
Còn tại Khoa Phẫu thuật Tim, bác sĩ Phạm Thị Kim Mỹ nhìn nhận: Tình trạng thiếu tiểu cầu đã gây khó khăn cho công tác điều trị rất nhiều. Bởi nó là một trong những yếu tố giúp cầm máu sau phẫu thuật, trong đó có mổ tim.
“Việc thiếu máu và các chế phẩm máu, đặc biệt là khối tiểu cầu, đã xảy ra trên diện rộng, kéo dài trong thời gian vừa qua và gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Chúng tôi rất hy vọng đơn vị cung cấp máu sớm có tiểu cầu để chúng tôi có thể phẫu thuật cho các bệnh nhân tim mạch nặng nói riêng cũng như các bệnh nhân cần tiểu cầu vì các bệnh lý khác nói chung” bác sĩ Mỹ cho biết.
Vẫn đang đợi phê duyệt
Như Lao Động đã thông tin, tối ngày 18.7, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ Nguyễn Xuân Việt đã ký báo cáo khẩn gửi HĐND, UBND, Sở Y tế TP Cần Thơ và 74 bệnh viện, trung tâm y tế có sử dụng máu trong khu vực ĐBSCL cho biết, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ hiện không còn chế phẩm Khối tiểu cầu gạn tách (đơn vị tiểu cầu).
Theo Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, chế phẩm máu Khối tiểu cầu gạn tách chỉ có duy nhất Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp từ trước đến nay. Tuy nhiên, sắp tới cũng sẽ cung cấp số lượng rất hạn chế do một số vật tư y tế để sản xuất tiểu cầu pool tại bệnh viện này cũng sắp hết.
Ngày 19.7, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng có công văn cho biết: Để đảm bảo an toàn truyền máu, điều phối máu tới các khu vực, địa phương, đơn vị trên cả nước, Trung tâm Máu Quốc gia và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ cung cấp các chế phẩm máu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đến hết tháng 8.2023. Đồng thời, đề nghị Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ có kế hoạch và triển khai các biện pháp để chủ động đảm bảo nguồn máu phục vụ cho điều trị người bệnh khu vực ĐBSCL từ tháng 9.2023.
Trong khi đó, liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế, hóa chất cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, nhằm gỡ khó nguồn cung ứng máu cho 74 bệnh viện tại khu vực ĐBSCL, ngày 21.7, trả lời chất vấn của Báo Lao Động, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Việt Nga thông tin: Hiện quy trình đã đến bước thứ 3, đã trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu về UBND TP Cần Thơ và đang chờ phê duyệt.
Tuy nhiên, trước câu hỏi khi nào có thể hoàn thành việc mua sắm hoá chất, vật tư y tế cũng như có kịp chủ động nguồn máu cho các bệnh viện trong khu vực từ tháng 9.2023 hay không, đại diện Sở Y tế đều không có câu trả lời.