Trao đổi với PV Lao Động ngày 18.11, Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Cần Thơ cho biết, vừa qua, TP.Cần Thơ liên tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 tăng cao, ngành y tế cũng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
TP.Cần Thơ đang tiếp nhận điều trị 3.025 bệnh nhân COVID-19 ở 3 tầng điều trị, gần đạt mức tối đa khả năng điều trị của thành phố (3.100 giường). Trong đó, số bệnh nhân COVID-19 điều trị ở tầng 1 đã vượt quá khả năng tiếp nhận (2.008 bệnh nhân/1.850 giường điều trị tầng 1).
Theo ông Giang, trước tình trạng quá tải của các bệnh viện dã chiến, ngành y tế tăng cường thí điểm điều trị F0 tại địa phương. Theo đó, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến vẫn được tiếp nhận và điều trị theo tháp 3 tầng của Bộ Y tế, nhưng sẽ chỉ tập trung điều trị những trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng.
Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, ngành y tế sẽ tăng cường điều trị ở cộng đồng nhằm giảm tải cho các bệnh viện, từ đó các bệnh viện sẽ tập trung vào điều trị các bệnh phân tầng cao hơn, đảm bảo hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong có thể xảy ra cho bệnh nhân.
"Phương án cho việc điều trị F0 trong cộng đồng đã được thông qua Ban chỉ đạo cũng như Sở chỉ huy, ngành y tế đã triển khai đến các địa phương cũng như chuẩn bị hết các giải pháp, kế hoạch. Trong đó, đã tổ chức tập huấn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện thí điểm điều trị F0 tại địa phương. Đến nay, các trạm y tế lưu động đã được khởi động và đã trang bị đầu tư một số thiết bị cơ bản. Tuy nhiên, hiện vẫn còn đang thiếu nguồn lực", ông Giang cho biết.
Cũng theo ông Giang, việc thực hiện điều trị F0 không triệu chứng tại địa phương đã được thí điểm, tuy nhiên, vẫn còn chưa đồng bộ. Một số địa phương có ổ dịch lớn trong cộng đồng cũng đã chủ động thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Trong đó, một số nơi đã áp dụng việc điều trị F0 tại địa phương như Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai...
Hiện, đối với các Trạm y tế lưu động, ngành y tế cũng đã huy động lực lượng công chức, viên chức tại địa phương phối hợp với Tổ COVID để thực hiện Trạm y tế lưu động. Ngoài ra, UBND thành phố cũng có dự thảo thành lập tổ y tế lưu động để hỗ trợ các hoạt động trong quá trình điều trị tại cộng đồng.
Theo đó, đội Y tế lưu động sẽ bao gồm các lực lượng như quân đội, sinh viên, nhân viên y tế và chính quyền địa phương sẽ thực hiện hỗ trợ công tác điều trị. Thời gian thực hiện sẽ được áp dụng trong vòng 1 tháng.