Dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy sự yếu kém của hệ thống y tế cơ sở cả về năng lực lẫn cơ sở vật chất. Đứng trước thực trạng đó, từ tháng 9.2021, TPHCM đã họp bàn và ban hành nghị quyết số liên quan đến việc nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.
Dự lễ đón các bác sĩ về tuyến cơ sở y tế sáng 16.2, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành uỷ TPHCM cho biết: “Củng cố y tế cơ sở, không chỉ củng cố ngày một, ngày hai là được mà phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị khác nhau. Đặc biệt, sau khi lực lượng chi viện rút về, việc bảo vệ người dân ở tuyến cơ sở là vô cùng cấp bách”.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM phối hợp với các trường đại học y khoa trên địa bàn tổ chức cho 297 sinh viên y khoa được thực tập tại y tế cơ sở.
Với thời gian thực tập 18 tháng, các sinh viên sẽ được phân công thực tập 12 tháng tại tuyến y tế cơ sở dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bệnh viện đa khoa hạng 1 và 6 tháng tại bệnh viện. Kinh phí hỗ trợ cho mỗi sinh viên thực tập 60 triệu đồng.
Đơn cử tại Huyện Củ Chi TPHCM có 21 trạm y tế, địa bàn và dân cư lớn nên áp lực là rất lớn. Trong đợt này, huyện Củ chi có 14 sinh viên y khoa thực tập về. “Với sự hỗ trợ nhân lực này, hy vọng sẽ giảm tải áp lực và nâng cao chất lượng y tế tại đây”, đại diện Trung tâm Y tế huyện Củ Chi cho biết.
Bác sĩ trẻ Hoàng Thị Như Ý, sinh viên Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã từng có thời gian dài tham gia chống dịch, tư vấn F0 trong tổ chăm sóc cộng đồng vào thời điểm đỉnh dịch nên thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn về nhân lực và chất lượng khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở. Như Ý không thể quên những trường hợp F0 được tư vấn, khi tuyến y tế cơ sở quá tải: “Quá tải ở khắp nơi nên xe cấp cứu không đến kịp. Em ít nhiều cũng bị sốc và cảm thấy mình không đủ điều kiện giúp đỡ người bệnh”.
Với những trải nghiệm sống còn của đỉnh dịch, Như Ý đã đăng ký chương trình thực hành tại y tế cơ sở ngay khi mới ra trường.
Cùng với nữ bác sĩ trẻ Như Ý, bác sĩ Dương Anh Kiệt cũng mang tâm trạng hào hứng trong lễ “giao quân” của ngành y tế với các địa phương tại TPHCM.
Kiệt cho biết, trước khi về cơ sở, mình đã được hướng dẫn với các bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115. Trong 12 tháng được cử về thực hành tại trạm y tế thuộc quận 12, Dương Anh Kiệt tin rằng, đây là cơ hội để được tiếp cận với bệnh nhân gần nhất: “Tôi không lo lắng về chuyện tay nghề vì vẫn được đào tạo song song ở cơ sở và ở bệnh viện. Hơn thế, trong giai đoạn dịch bệnh, tôi cũng rút được kinh nghiệm thực tế trong tổ tư vấn F0 từ xa. Những kinh nghiệm hết sức quý báu”.
Sở Y tế TPHCM cũng cho biết cơ chế đặc biệt cho những bác sĩ trẻ thực tập tại chương trình này, nhằm giúp họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. “Bác sĩ sau khi hoàn thành chương trình thực hành này sẽ có chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa. Bên cạnh đó, được nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ hướng cộng đồng, năng lực phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ liên tục và toàn diện, năng lực hoạt động xã hội… Sở Y tế sẽ định kỳ đánh giá rút kinh nghiệm để làm tiền đề tốt duy trì hàng năm ” – ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.