Truyền hình trực tuyến: Cơ sở y tế chuyển mình hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Nhóm PV |

Y tế cơ sở từ chỗ chỉ là "tuyến dưới" đã và đang trở thành "trung tâm" và giữ vai trò là "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để độc giả hiểu rõ hơn về những khó khăn, thách thức và những nỗ lực vượt bậc của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, Báo Lao động phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề “Cơ sở y tế chuyển mình hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

 
Ông Hoàng Lâm - Tổng thư ký tòa soạn Báo Lao Động tặng hoa các khách mời tham dự chương trình. Ảnh: Sơn Tùng 

Chương trình diễn ra từ 9h đến 10h30 ngày 21.11, với sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Đình Anh - Vụ Trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế)

- Ông Doãn Hữu Long- Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk

- Ông Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Nhìn lại mô hình y tế cơ sở

MC: Thưa các vị khách mời, trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố và phát triển. Năm 2018 được ngành Y tế chọn là năm hướng về y tế cơ sở, xin các vị khách mời có thể đánh giá về vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân?

- Ông Nguyễn Đình Anh- Vụ Trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế): Theo tôi, đối với công tác y tế cơ sở là công tác quan trọng của ngành y tế, là cánh tay nối dài để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì y tế cơ sở là gần dân nhất, chính cán bộ y tế cơ sở triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình, hay các vấn đề an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, trạm y tế xã còn có vai trò chức năng là khám bệnh ban đầu cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp đảm bảo mục tiêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" mà Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 đã đề ra.

Khi Nghị quyết 20 được thông qua, ngành y tế đã triển khai đẩy mạnh xây dựng trạm y tế, với các mô hình điểm. Bộ Y tế phối hợp với các tỉnh xây dựng 26 mô hình xã, điểm đại diện cho 3 vùng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng xây dựng hoạt động truyền thông để tiến tới sẽ nhân rộng ra toàn quốc.

MC: Ông Nguyễn Đình Anh vừa cho rằng y tế cơ sở là cánh tay nối dài của ngành y trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Thưa ông Doãn Hữu Long , ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Ông Doãn Hữu Long- Giám đốc Sở Y tế Đắc Lắc: Tôi đồng ý với quan điểm y tế cơ sở là cánh tay nối dài vì gần dân nhất.

Khám chữa bệnh trong hoạt động chăm sóc có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, nếu chức năng khám chữa bệnh được đầu tư về trang thiết bị thì sẽ bỏ qua chức năng phòng, chống dịch bệnh.

Video: Ông Nguyễn Đình Anh nói về vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân:

MC: Qua phần trả lời của 2 vị khách, thưa ông Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, ông có thể cho biết quan điểm của mình đối với vấn đề này?

- Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh: Tại 1 số tỉnh, y tế cơ sở chưa tốt. Nếu trường hợp cơ sở y tế không an toàn thì người bệnh không tìm tới khám bệnh. Tỉnh Quảng Ninh có mô hình y tế cơ sở rất đặc biệt, tỉnh giao y tế cơ sở cho các bệnh viện quản lí: Bệnh viện Sản nhi chịu trách nhiệm 8 xã vùng sâu vùng xa, Bệnh viện đa khoa tỉnh chịu trách nhiệm 10 xã, Bệnh viện Bãi Cháy chịu trách nhiệm 10 xã. Tất cả xã hình thành các cơ sở y tế, bệnh viện huyện cũng biết xã có bao nhiêu dân và mỗi khi có chuyện gì có thể hỗ trợ tốt hơn.

 
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: Sơn Tùng 

Thực tế, về mô hình bác sĩ gia đình, chúng ta chỉ nghĩ chỉ áp dụng ở các thành phố lớn nhưng thực ra có thể áp dụng mô hình này tại ngay các y tế cơ sở. Mỗi nhân viên chịu trách nhiệm 300 dân, mỗi ngày khám 10 bệnh nhân, 1 tháng khám 300 người dân thì sẽ nắm như trong lòng bàn tay.

Nhớ lại trạm xá ngày xưa thời chống Mỹ chịu trách nhiệm tất cả mọi thứ, hay trong những thời kì khó khăn, 90% ca sinh nở, bệnh nhân tăng huyết áp, khám bệnh nặng đều đến trạm xá. Bây giờ tại sao lại không được như thế? Chúng ta phải nhìn lại lực lượng, bởi điều kiện trang thiết bị trạm xá tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Chúng ta cần thực hiện chính sách đưa ra mô hình bác sĩ gia đình. Tôi nghĩ mô hình đó đối với chủ trương của Bộ Y tế là tốt và hiệu quả.

MC: Hướng về y tế cơ sở, ngành y tế đã xác định “truyền thông phải đi trước một bước”. Vậy trong thời gian qua, công tác truyền thông đã được triển khai ra sao, thưa ông Nguyễn Đình Anh?

Ông Nguyễn Đình Anh: Về công tác truyền thông, hiện nay Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như lãnh đạo chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm y tế. Phải nói cho dân nghe và nghe dân nói.

Nói dân nghe tức là phổ biến kiến thức cho người dân, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm y tế. Nói dân nghe còn là phổ biến kiến thức giúp người dân hiểu biết bệnh để có phương án dự phòng. Và khi có bệnh có thể đến trạm y tế hay bệnh viện tuyến huyện.

Người dân cần được tuyên truyền, đặc biệt là các phong trào phòng chống dịch bệnh vệ sinh môi trường. Từ đó giúp người dân thay đổi nhận thức.

 
Ông Nguyễn Đình Anh- Vụ Trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế). Ảnh: Sơn Tùng 

Nghe dân nói là có những chính sách ban hành ra phải lắng nghe góp ý của dân. Những nhà quản lý phải lắng nghe những bất cập để từ đó có những sự điều chỉnh phù hợp với mong muốn của người dân.

Chính cán bộ cơ sở là những người phải thực hiện tiên phong trong công tác này. Tới đây, chủ trương của ngành y tế chuyển các bệnh không lây nhiễm chuyển từ bệnh viện tuyến huyện xuống các trạm y tế. Như thế, chúng ta sẽ tiết kiệm nhiều chi phí. Có nhiều loại thuốc tốt và loại bệnh được phát và điều trị tại trạm y tế cơ sở. Như vậy, trách nhiệm và vai trò của cán bộ y tế tuyến xã, tuyến cơ sở được nâng lên.

Thời gian qua, ngành y tế cũng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng sẽ tăng chi phí rất nhiều nếu như người dân vượt tuyến, như không được thanh toán chi phí bảo hiểm, tiền ăn ở khi người thân phải đi theo. Bên cạnh đó, tích cực truyền thông phòng bệnh hơn chữa bệnh để người dân chủ động phòng tránh những bệnh phát hiện sớm có thể điều trị được.

MC: Đắc Lắc là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu trong phát triển và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, xin ông chia sẻ những khó khăn và thuận lợi hiện nay của tuyến cơ sở y tế tỉnh Đắc Lắc trong việc chăm sóc sức khỏe người dân?

- Ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế Đắc Lắc: Đắc Lắc là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, đa sắc tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Trong khi nguồn đầu tư cho y tế còn hạn hẹp. Nguồn nhân lực của y tế ở Đắc Lắc là thấp hơn mức thấp nhất của Thông tư liên bộ 08/2007/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.

 
Ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế Đắc Lắc. Ảnh: Sơn Tùng 

Tuy nhiên được sự quan tâm của Bộ Y tế, lãnh đạo điều hành, chỉ đạo công tác chuyên môn rất sát sao. Ngoài ra, công tác truyền thông của Vụ Trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) thực hiện rất tốt. Anh em trực tiếp vào Đắc Đắc để hướng dẫn, lập các dự án để phát triển y tế cơ sở.

Nhờ những thuận lợi đó, ngành y tế Đắc Lắc cũng đạt được những kết quả nhất định trong việc mở rộng mạng lưới y tế cơ sở. 100% xã, phường có trạm y tế. Nhờ đó, y tế Đắc Lắc đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân…

[Video] Ông Doãn Hữu Long nói về những khó khăn, thuận lợi của tuyến cơ sở y tế tỉnh Đắc Lắc trong việc chăm sóc sức khỏe người dân:

MC: Khi cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng thì người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến gây tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên? Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao thưa ông Nguyễn Đình Anh?

- Ông Nguyễn Đình Anh: Thứ nhất, hiện nay người dân có rất nhiều thuận lợi về mặt giao thông. Ngày xưa, để đi ra các bệnh viện tuyến Trung ương gặp rất nhiều khó khăn, có khi mất đến 1-2 ngày, trong khi hiện nay, chỉ cần 5-6 tiếng có thể ra bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, nhiều người chọn phương án chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Thứ hai, nhiều người Việt Nam có sự lạm dụng bia rượu thuốc lá, vấn đề an toàn thực phẩm, gây ra tình trạng bệnh tật.

Hơn nữa, thời gian vừa qua, công tác truyền thông đẩy mạnh triển khai phổ biến những kĩ thuật điều trị mới. Từ đó dẫn đến người dân muốn lên tuyến trên để được sử dụng cơ sở vật chất tốt, những gói chăm sóc chất lượng cao. Những bệnh viện y tế tuyến Trung ương được hỗ trợ đào tạo nhân lực, thực hiện những chuyển giao kỹ thuật, đầu tư con người.

Như vậy, cũng cần có những chuyển giao kỹ thuật ở bệnh viện tuyến huyện hay tuyến xã, tuyến cơ sở giúp cho người dân an tâm sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, đi khám tuyến trên có thể nhận được những loại thuốc tốt hơn.

Vì thế, để cải thiện tình trạng vượt tuyến thì thay vì lên tuyến trên mới có thể nhận thuốc tốt, cần điều chỉnh để người dân nhận được những loại thuốc tốt ngay từ tuyến xã. Chúng tôi sẽ có những phối hợp với các cơ quan liên quan để có những phương án tuyên truyền để người dân có thể tiếp cận và tiếp nhận những dịch vụ tốt nhất tại tuyến y tế cơ sở.

MC: Ông Đình Anh đã chia sẻ, phát triển y tế cơ sở thì truyền thông phải đi trước. Vậy từ những thành công đã đạt được cho thấy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã làm công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh như thế nào, thưa ông Nguyễn Quốc Hùng?

- Ông Nguyễn Quốc Hùng: Quan điểm của Bệnh viện Quảng Ninh là bệnh viện làm được gì người dân sẽ biết. Người dân phải biết và đến sử dụng dịch vụ tại bệnh viện, sau đấy bệnh nhân sẽ phản hồi chất lượng dịch vụ và bệnh viện thay đổi theo xu hướng, nhu cầu. Chúng ta có thể sử dụng các trang mạng xã hội để thực hiện điều này. Ở Bệnh viện Quảng Ninh, bệnh viện sẽ cử 1-2 bác sĩ để truyền hình trực tiếp trên đài Quảng Ninh, mỗi ngày một chuyên đề. Chúng tôi cũng bố trí một đồng chí lãnh đạo để trả lời về công tác bảo hiểm cho người dân.

 
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh: Sơn Tùng 

Hiện facebook giúp các đơn vị rất thuận lợi cho việc truyền thông, nên mở những toạ đàm trực tuyến để giải đáp những thắc mắc. Quan điểm cuối cùng là mình làm vì dân. Chúng tôi hiện đã có fanpage, chăm sóc khách hàng và giải đáp thắc mắc trực tiếp.

[Video] Ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ về những việc làm thực tế mà bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã thực hiện để hướng tới sự hài lòng của người bệnh:

MC: Chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều, tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận người dân dồn lên tuyến trên dẫn đến tình trạng quá tải, điều này liệu có phải do công tác truyền thông tuyến dưới chưa thực sự hiệu quả, thưa ông Nguyễn Đình Anh?

- Ông Nguyễn Đình Anh: Đúng là công tác truyền thông đã tốt rồi, nhưng vấn đề thay đổi hành vi của người dân cũng chưa đạt hiệu quả, khi người dân vẫn có xu hướng lên tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải.

Như tôi nói lúc đầu, vấn đề “nói cho dân nghe, nói về dân và làm cho dân hiểu” là rất quan trọng. Ngành y tế chuyển mình, trước tiên cán bộ y tế cơ sở phải chuyển mình, phải thay đổi thái độ, thực hiện tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ngoài ra, thực sự chính sách về lương cho cán bộ y tế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ở đâu đó, nhất là vùng sâu, vùng xa, khi cán bộ y tế về công tác được một thời gian lại có xu hướng chuyển đi.

Nói thế để thấy, chính sách lương bổng ảnh hưởng rất lớn đến cán bộ y tế. Với mỗi cán bộ y tế đều bắt buộc phải thường xuyên liên tục học nâng cao trình độ, nhưng lương không đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình. Vì thế đang có một có xu hướng cán bộ y tế chuyển lên tuyến trên, khiến hệ thống y tế cơ sở mất đi những cán bộ giỏi.

Chúng tôi xác định để khẳng định được chất lượng và chuyên môn thì vấn đề cán bộ y tế là đặc biệt quan trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lồng ghép chức năng bác sĩ gia đình trong các trạm y tế xã.

Ngoài ra, vấn đề trang thiết bị cơ sở vật chất cũng rất quan trọng. Luật Ngân sách nhà nước quy định giao cho Chủ tịch UBND thực hiện đảm bảo cho ngân sách cho y tế, nhưng không phải địa phương nào cũng có sự đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở.

Ngoài cán bộ y tế, cơ sở vật chất, tôi cho rằng cần quan tâm đến vấn đề bảo hiểm y tế. Người dân đóng góp thì phải được hưởng các khoản người ta đóng góp, như đảm bảo đủ thuốc men để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bản thân tôi học ở nước ngoài về, tôi thấy rằng ở Đan Mạch hay ở Mỹ, không phải có một quỹ bảo hiểm mà có nhiều quỹ bảo hiểm khác nhau, khi người dân ốm đau thì nhiều bên bảo hiểm sẽ lo việc chăm sóc, chi phí chữa bệnh. Vì vậy tôi nghĩ trong thời gian tới cũng cần có những điều chỉnh chính sách để nhiều người tham gia vào các gói bảo hiểm cơ bản.

Làm gì để tạo niềm tin cho người bệnh và giữ chân “khách hàng”


MC: Trên thực tế, người dân vẫn vượt tuyến, gây ra tình trạng quá tải ở những bệnh viện tuyến trên. Vậy làm thế nào để củng cố, lấy được niềm tin của người dân vào tuyến y tế cơ sở, thưa ông Nguyễn Đình Anh?

- Ông Nguyễn Đình Anh: Tôi nghĩ tình trạng vượt tuyến vẫn còn và kéo dài, vì điều kiện vật chất của người dân ngày càng tăng lên, giao thông đi lại thuận tiện hơn. Nhưng ngành y tế chúng tôi đang triển khai nhiều biện pháp để giữ người dân ở lại tuyến cơ sở.

Thứ nhất là về con người. Ngành Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế, cán bộ địa phương sẽ hỗ trợ cho các cơ sở y tế tuyến dưới, kể cả vấn đề đào tạo, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng con người, cán bộ y tế tuyến dưới không chuyển mình thì khó giữ chân được người bệnh. Cán bộ y tế phải thay đổi mình và làm cho nhân dân tin. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm đến chính sách về lương bổng cho cán bộ y tế để giữ chân người giỏi lại các mạng lưới y tế cơ sở.

Vấn đề nữa là công tác truyền thông. Nhiều khi vì người dân không có kiến thức về phòng, chống bệnh tật, dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, nên khi có vấn đề xảy ra thường có xu hướng lên tuyến trên khám. Thậm chí là nghe bạn bè mách chỗ này chỗ khác rồi đến khám.

Vì thế vấn đề tuyên truyền cho người dân là rất quan trọng, như về cách phòng ngừa, điều trị, chăm sóc, vấn đề an toàn thực phẩm… Ngay cả các cán bộ y tế ở xã phường cũng phải nâng cao việc tuyên truyền, khi người bệnh đến với mình thì phải có những tư vấn về chế động sinh hoạt, ăn uống để người dân có kiến thức và tin tin tưởng.

Ngay cả Báo Lao Động cũng có nhiều bài viết tuyên truyền chính sách của Bộ y tế. Báo là kênh để đưa thông tin về các vấn đề y tế đến người bệnh.

MC: Thưa ông Nguyễn Quốc Hùng, từ thực tế của bệnh viện, ông có bổ sung gì thêm vào nội dung này, thực tế là bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã giữ chân “khách hàng” của mình như thế nào?

- Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nhiều người Việt Nam có tư tưởng “sính ngoại”, có bệnh thì nghĩ đến việc đi nước ngoài. Vì thế việc giữ chân người bệnh là câu chuyện rất vất vả, cần sự phối hợp từ y tá, điều dưỡng cho đến bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện.

Có một cách làm của bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh mà chúng tôi chia sẻ, đó là chúng tôi sẽ khảo sát sự hài lòng của người bệnh vào thời điểm bệnh nhân ra viện.

Đối với bệnh nhân khám ngoại trú, ngày hôm sau, tổ chăm sóc khách hàng sẽ gọi điện để khảo sát sự hài lòng của người bệnh. Tỷ lệ khảo sát được 70% người bệnh. Cứ 3 ngày gọi điện một lần, đó là thời gian mà bệnh nhân phản hồi đúng nhất chất lượng khám bệnh. Khi có những phản hồi không tốt về cán bộ nhân viên của bệnh viện, chúng tôi có những quy chế quy định rõ để xử lý.

Tuy nhiên, nhân viên y tế ý thức chuyên nghiệp không bằng người nước ngoài. Nhiều người có tư tưởng đùn đẩy, sắp hết ca thì đùn xuống ca sau. Vì thế, xây dựng thương hiệu nhưng giữ vững được thương hiệu là cả một bài toán khó. Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế rất sát sao, nhưng theo tôi cần thăm dò ý kiến của người bệnh. Đó là cách làm tốt nhất.

MC: Như ông Nguyễn Đình Anh đã chia sẻ ở trên, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều phương án truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng, vai trò của y tế cơ sở. Vậy trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp truyền thông như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đình Anh: Đối với hoạt động truyền thông thời gian qua đã làm tốt, nhưng cần sự chung tay của cả xã hội. Ngoài vấn đề tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về y tế thì vấn đề phổ biến kiến thức cho người dân hiểu là rất quan trọng.

Ngoài ra cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xử lý khủng hoảng truyền thông khi có sự sai sót. Khi xảy ra sai sót thì cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

Bên cạnh đó, khi đưa các công nghệ mới, cơ sở vật chất hiện đại vào sử dụng thì phải tăng cường truyền thông để người dân biết. Chúng tôi có quan điểm: Bệnh nhân là thượng đế, đang trả tiền cho chúng ta thì chúng ta phải phục vụ tốt. Người bệnh chính là khách hàng, khi chúng ta làm tốt thì người dân sẽ đến với mình.

Vì thế phải coi khách hàng là trung tâm, lấy chất lượng điều trị là hàng đầu, cùng với các dịch vụ hỗ trợ nữa thì sẽ từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Thậm chí cán bộ y tế cơ sở phải đi vào từng nhà để tuyên truyền. Ngoài ra mạng xã hội cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc truyền thông, như việc lập trang Fanpage, để tuyên tuyền, nhất là khi có các dịch bệnh đang xảy ra.

Hiện chúng tôi đang kết nối với bệnh viện, cơ sở y tế, yêu cầu lãnh đạo của các cơ sở y tế phải biết sớm nhất trước khi người khác biết. Lãnh đạo bệnh viện phải trực tiếp chỉ đạo để tránh các sai sót xảy ra. Ngoài ra sẽ xây dựng chiến dịch phòng chống, nâng cao sức khỏe người dân, thì phải tuyên truyền đâu là nguy cơ, để người dân có các kiến thức phòng, chống bệnh tật.

Bên cạnh đó cần có sự chung tay của các cấp ngành, coi người dân là đối tượng trọng tâm trong vấn đề truyền thông.

Hiện chúng tôi đang có kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi xã hội, thay đổi hành vi của một nhóm, cộng đồng trong xã hội. Như vấn đề tác hại của rượu bia, thuốc lá, phải thực hiện tốt vấn đề truyền thông nhóm, để nâng cao ý thức, đề phòng tai biến. Việc này sẽ giúp lan tỏa tốt hơn các thông điệp để bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.

MC: Trong thời gian tới, ngành y tế Đắc Lắc tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ gì để thúc đẩy y tế cơ sở phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới; bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân?

- Ông Doãn Hữu Long: Để phát triển cơ sở y tế toàn diện thì ngành y tế đã xây dựng phương án trình các cấp có thẩm quyền toàn diện. Thứ nhất là sắp xếp lại bộ máy làm sao tinh giản bộ máy, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở và hệ thông dự phòng.

Thứ hai là củng cố lại cùng ban chỉ đạo xây dựng quy chế kiểm tra, kiểm soát.

Thứ ba là đầu tư nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của Sở y tế Đắc Lắc không được đều do trong thời gian dài dự báo về đào tạo nguồn nhân lực cao của cả nước là chưa chuẩn, do đó dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực, vật lực ở y tế cơ sở rất lớn.

Và chúng ta đưa ra một giải pháp tạm thời như đào tạo từ y sĩ lên bác sĩ, nhưng chất lượng nói thẳng là cũng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được của các trụ sở. Chính vì vậy việc tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng của y bác sĩ cần tập trung đào tạo kĩ năng, kiến thức chứ không nên ôm đồm và thêm nữa là tập trung ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong không chỉ hoạt động quản lí mà cả hoạt động y tế. Chúng tôi cũng đang triển khai ví dụ như cấp cứu, khi có tai nạn xảy ra họ sẽ báo cơ sở y tế gần nhất để tiếp cận.

Công tác truyền thông cũng rất cần được chú trọng theo chủ trương đường lối của Đảng và Bộ y tế, giúp người dân phòng bệnh cũng như chữa bệnh và đặc biệt người dân cũng phải nhận thấy hệ thống y tế cơ sở ở đâu làm gì tốt để họ tiếp cận một cách tối đa. Thực tiễn, theo thống kê tình trạng vượt tuyến khoảng 50%, tuyến trung ương trên 50%. Điều này khiến tạo ra hệ luỵ: chậm thời gian, lây chéo bệnh viện hoặc bệnh nhân không hài lòng.

Một điều nữa là hệ thống bệnh viện tuyến trên không thể nào đáp ứng được trong khi đó, hệ thống y tế cơ sở được đầu tư lại không được sử dụng. Điều đó sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội và nguồn lực của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Là một trong những bệnh viện tuyến dưới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm gì để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và “giữ chân” được người bệnh?

- Ông Nguyễn Quốc Hùng: Ngoài sự tiếp cận các dịch vụ lớn để hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh sẽ triển khai mở rộng dịch vụ tầm mức trung, thấp để người dân thu nhập thấp và trung bình cũng có thể tiếp cận được. Đó là phương án lâu dài. Trước mắt, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đến năm thứ 5, chúng tôi cần duy trì và bảo vệ thương hiệu của mình. Đặc biệt, là vấn đề cơ sở hạ tầng xuống cấp. Trước đây nhà nước chỉ đầu tư ban đầu còn bây giờ để tu sửa là áp lực rất lớn. Với cơ sở vật chất 600 tỷ như hiện nay, mỗi năm chúng tôi cũng cần tầm 10 tỷ để sơn sửa, duy trì nhà vệ sinh sạch như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế… Đây là một bài toán lớn.

Còn hướng đến sự hài lòng của người bệnh cũng rất đơn giản thôi, người bệnh cần gì đáp ứng điều đó, và quan trọng là duy trì, không “đánh trống bỏ dùi”.

MC: Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân không chỉ của riêng ngành y tế mà cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mong rằng, với những nỗ lực không ngừng, ngành y tế sẽ tiếp tục phát huy được những thành tựu đã đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng mạng lưới y tế cơ sở vững mạnh toàn diện để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chương trình truyền hình trực tuyến của báo Lao Động xin được dừng tại đây. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Truyền hình trực tuyến: Y tế cơ sở thực sự là “người gác cổng”

LĐO |

Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, đảm bảo mục tiêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" mà Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 đã đặt ra với ngành Y tế.

Y tế cơ sở "cứu cánh" cho quá tải bệnh viện tuyến trên

T.Linh |

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 11.000 trạm y tế xã nhưng mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở tuyến cơ sở vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ quyết liệt thay đổi diện mạo y tế cơ sở

Thùy Linh |

Ngày 25.10, tại chuyến công tác về y tế cơ sở tại Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời báo chí về những kế hoạch tăng cường y tế cơ sở trong thời gian tới.

Hàng trăm người chui rào đập thủy điện, đổ xô bắt cá khủng

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Hàng trăm người dân đổ xô xuống đập tràn của hồ Thủy điện Trị An để bắt cá khủng, kiếm tiền triệu.

Chưa rõ nguyên nhân hơn 40 người ở chung cư nghi ngộ độc

QUANG ĐẠI |

Nghệ An – Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh nguyên nhân vụ hơn 40 người ở chung cư Golden City 3 (Nghi Phú, TP Vinh) có biểu hiện ngộ độc.

Thanh niên tử vong khi livestream cảnh báo sạt lở QL2

Lam Thanh |

Hà Giang - Vụ sạt lở trên QL2 đoạn qua xã Việt Vinh (huyện Bắc Quang) đã vùi lấp nhiều người và phương tiện.

Lực lượng chức năng căng mình phân luồng cầu phao Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Ngày 30.9, khi cầu phao Phong Châu thông xe, lưu lượng phương tiện đổ về rất đông, các lực lượng chức năng phải căng mình điều tiết giao thông.

Quy định là khung, việc ký phối hợp sẽ dựa trên thực tế

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội – Ngày 30.9, tại kỳ họp thứ 7, khóa XIII Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang, các đại biểu đã cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương với các LĐLĐ tỉnh, thành phố.

Truyền hình trực tuyến: Y tế cơ sở thực sự là “người gác cổng”

LĐO |

Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, đảm bảo mục tiêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" mà Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 đã đặt ra với ngành Y tế.

Y tế cơ sở "cứu cánh" cho quá tải bệnh viện tuyến trên

T.Linh |

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 11.000 trạm y tế xã nhưng mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở tuyến cơ sở vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ quyết liệt thay đổi diện mạo y tế cơ sở

Thùy Linh |

Ngày 25.10, tại chuyến công tác về y tế cơ sở tại Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời báo chí về những kế hoạch tăng cường y tế cơ sở trong thời gian tới.