Mất kiểm soát bản thân vì rượu
Rối loạn tâm thần do sử dụng rượu là tình trạng thường gặp, khá nguy hiểm cho bản thân người sử dụng rượu và cho mọi người xung quanh, họ không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân mà gây hấn cũng như gây nguy hiểm cho mọi người.
Nếu hoang tưởng, ảo giác và rối loạn hành vi rầm rộ không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tai nạn và tử vong.
Các triệu chứng khi uống quá nhiều rượu gây ra tình trạng ngộ độc rượu bao gồm: Rối loạn tâm thần, mất khả năng kiểm soát, hay cãi lộn, tấn công xâm phạm người khác bằng lời nói hoặc hành vi bạo lực, cảm xúc không ổn định, mất sự chú ý, giảm khả năng suy xét, ngoài ra có thêm các dấu hiệu như đi không vững, nói không chuẩn, giảm ý thức, đỏ mặt…
Loạn thần do rượu là trạng thái liên quan chặt chẽ tới quá trình sử dụng rượu, biểu hiện bằng rối loạn cảm xúc, hành vi, ảo giác (như ảo âm thanh hoặc ảo hình ảnh…), hoang tưởng như nghi ngờ ghen tuông vô cớ, lúc đầu chỉ ghen trong trạng thái say, về sau xuất hiện thường xuyên và rất vô lý, có khi kèm theo suy nghĩ vợ đầu độc, hoặc ý tưởng bị theo dõi, bị hại dẫn tới hành vi tự vệ cho bản thân hoặc mâu thuẫn trong gia đình thậm trí là tấn công người khác.
Các trạng thái này thường xuất hiện trong khi hoặc ngay sau khi sử dụng rượu. Loạn thần do rượu biểu hiện nổi bật trong vòng 48 giờ sử dụng rượu, đặc biệt ở những người nghiện rượu mạn tính.
Biểu hiện của người bị sảng rượu như thế nào?
Bên cạnh đó, sảng rượu là một trạng thái loạn thần cấp tính và trầm trọng, thường xuất hiện ở người nghiện rượu mạn tính, khi cơ thể bị suy yếu hay vì một bệnh lý nào đó mới xuất hiện (như nhiễm khuẩn, chấn thương…). Sảng rượu cũng có thể xuất hiện sau khi cai rượu tương đối, tuyệt đối hoặc sau khi sử dụng số lượng lớn rượu trong dịp Tết.
Khởi phát, người bệnh có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ cảm giác mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, rối loạn thần kinh thực vật. Sau đó bắt đầu có biểu hiện nặng nề dần như thay đổi cảm xúc: Hoảng hốt, lo âu, thậm chí có ảo tưởng thị giác nhìn thấy những con vật hoặc người đến giết hại mình không hề có thật…
Nặng nề hơn thì có rối loạn ý thức mê sảng hoặc lú lẫn, ảo tưởng và ảo giác sinh động, run nặng (run chân tay, run lưỡi, vã mồ hôi, sốt nhẹ,…). Thậm chí có hoang tưởng, kích động, mất ngủ…
Ngoài ra, người sử dụng rượu có thể xuất hiện biểu hiện của trầm cảm, thường không điển hình. Đầu tiên là giảm cảm xúc tích cực, cảm xúc chán nản, buồn bực, cáu kỉnh, cảm xúc thất thường, không ổn định, dễ bị công kích, thường cảm giác mệt mỏi, mất sinh lực, giảm hoạt động, giảm quan tâm thích thú, dù là đi chơi hay chúc Tết.
Đôi khi kèm theo rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc mơ ác mộng. Thường khởi phát các triệu chứng trầm cảm trong vòng hai tuần có sử dụng rượu và kéo dài trên 48 tiếng.
Một số trường hợp, sử dụng rượu mạn tính có thể gây ra tình trạng quên do rượu, người bệnh thậm chí quên các sự kiện vừa mới xảy ra, làm giảm hiệu quả trong công việc và cuộc sống, tiến triển nặng hơn, họ phải sống phụ thuộc vào người khác.
Phụ nữ mang thai uống rượu, bia cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình. Chất cồn sẽ khiến mẹ say xỉn, mệt mỏi, đau đầu, gây rối loạn về thể chất, tinh thần và có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ, sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo:
- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,…Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).