Thế nhưng, khi diện tích bỏng rộng, phương pháp này còn làm cho vết thương của người bệnh thêm nặng, ngoài bỏng nhiệt, họ còn bị bỏng lạnh. Sai lầm này có thể làm vết thương trầm trọng hơn.
Chườm đá gây bỏng kép
Cháu Nguyễn Văn B bị bỏng nước sôi. Mẹ B đưa cả chân cháu vào xô đựng đầy đá. Khi được đưa đến Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu, các BS khi biết việc này đã cho hay, cách làm này gây nguy cơ bỏng kép.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Tuấn - PGĐ Viện Bỏng Quốc gia - giải thích: Cơ thể bình thường ở nhiệt độ 37 độ C, khi bị bỏng, cơ thể đã bị mất nhiệt, cộng thêm với bị chườm đá lạnh, sự mất nhiệt lại tăng thêm. Các tổn thương trực tiếp là tinh thể đá làm đông cứng tế bào.
Thời gian cơ thể chườm, tiếp xúc dài trên 30 phút sẽ gây tổn thương hoại tử ướt. Loại hoại tử này không diễn biến mạnh, nhưng khả năng bảo tồn khi điều trị vết bỏng khó khăn, thậm chí phải cắt cụt.
Mức độ tổn thương do bỏng lạnh không nhìn thấy, bởi đã lẫn vào bỏng nóng, nhưng sẽ làm nặng thêm tình trạng bỏng. BS khi xử trí vết bỏng cũng không phân biệt được bỏng lạnh mới hay bỏng cũ.
Trường hợp cháu B rất may là thời gian ngâm đá ngắn, nên vết bỏng lạnh chưa gây hậu quả và cháu không bị cắt cụt chi.
Trong đời thường, việc chườm bỏng bằng đá lạnh không phải hiếm gặp. Trong y văn cấp cứu tai nạn bỏng cũng đã ghi nhận những trường hợp vận động viên leo núi trên các đỉnh băng, thủy thủ trên các tàu thuyền đánh cá có các khoang đá.
Trong trường hợp bỏng nước sôi, hay các loại bỏng nhiệt nói chung, cách sơ cứu hiệu quả nhất là nhanh chóng ngâm rửa vết bỏng trong nước sạch khoảng 30 phút – 1 giờ. Biện pháp này đơn giản, nhưng hiệu quả cao, bởi ngâm rửa sẽ giúp rửa loãng và hòa trôi tác nhân gây bỏng, giảm nhiệt độ, giảm độ sâu và diện tích của vết bỏng, từ đó giảm mức độ nặng.
Trong sơ cứu sau bỏng, tốt nhất là dùng nước máy, hoặc nước giếng, nước mưa, nước hồ, sông, suối sạch... hoặc nhảy vào bể nước. Ngâm rửa phần bị bỏng, nhưng các phần khác phải giữ ấm.
Sau ngâm rửa, che phủ vết thương tạm thời bằng gạc sạch, xô màn tẩm nước rồi băng lại. Sau đó, nhanh chóng chuyển người bệnh đi BV.
Với trẻ em, ở các tỉnh mà các cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng, cũng nên chuyển về tuyến cuối để xử trí kịp thời. Sau khoảng 3 – 5 ngày, những ca bỏng ổn định có thể được chuyển về tuyến dưới tiếp tục điều trị. Khi vận chuyển đi xa, cho các cháu bù nước mất bằng orezon, cho ăn uống nhẹ như sữa, cháo.
Con chết vì… theo kinh nghiệm hàng xóm
PGS-TS Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khuyến cáo: Trong mùa hè, viện tiếp nhận nhiều trường hợp bỏng trẻ em. Điều đáng nói là nhiều trường hợp do cha mẹ không biết cách sơ cứu, nên hậu quả bỏng còn nặng hơn. Sơ cứu vết bỏng ban đầu đặc biệt quan trọng, đối với bỏng độ 2 – 3, nếu sơ cứu tốt thì vết bỏng có thể ổn trong 3 tuần. Sơ cứu sai sẽ dẫn đến tổn thương nặng hơn hẳn. Chườm đá là một trong 1.001 sai lầm khi sơ cứu bỏng.
Ngoài ra, còn có một số sai lầm như bôi nước mắm, nước tương, kem đánh răng... vào vết bỏng. Cách đây vài năm, đã có những trường hợp trẻ chết oan vì cha mẹ thiếu hiểu biết.
Một bé 27 tháng tuổi (ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bỏng nước sôi, người bố cho con vào ngâm trong vại cà muối theo chỉ dẫn của hàng xóm. Ngâm con trong đó được quá nửa giờ mặc cho đứa trẻ khóc lóc, rồi mới đưa con đi viện. Vừa lên đến bệnh viện tỉnh, được giới thiệu ra Viện Bỏng Quốc gia, nhưng do không kịp cấp cứu, cháu bé đã tử vong bởi sốc bỏng nặng.
Viện Bỏng Quốc gia hằng năm nhận điều trị từ 1.300 - 1.500 ca bỏng trẻ em. Chỉ có 10 – 20% được xử trí đúng, đầy đủ. Khoảng 50% số ca bỏng trước khi đến viện được ngâm rửa tích cực, có tác dụng làm nhẹ vết bỏng.
Vì thế, PGS Tuấn khuyến cáo, cha mẹ không nên đưa con đi chữa bằng kinh nghiệm dân gian, các bài thuốc truyền miệng hay đưa đến các cơ sở y tế tư nhân.
Với vết bỏng sâu, muốn điều trị khỏi cần phải phẫu thuật ghép da. Việc lạm dụng dẫn tới dùng sai chỉ định các bài thuốc tạo màng hiện nay không chỉ gây nguy cơ hoại tử vết bỏng, nhiễm trùng, mà còn có thể dẫn đến hậu quả phải điều trị kháng sinh dài ngày, khó khăn cho phẫu thuật, để lại sẹo lớn, thậm chí cắt cụt chi và mất cả tính mạng...