Món ăn thời kháng chiến

|

Trứng rồng rôti, kim châm xào, cá nướng trui, khoai mì chấm muối mè…- những món ăn thời chống Mỹ của các chiến sĩ, bộ đội, của các cựu tù đã được “sống lại” trong chương trình “Ẩm thực thời kháng chiến” do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức sáng 7.6.

Đằng sau mỗi món ăn, cách nấu là câu chuyện, là bài học kinh nghiệm về sự tồn tại, về sự sống để chiến đấu cho tới ngày chiến thắng,…

Sáu quầy hàng xinh xinh lợp lá dừa phía sân sau của bảo tàng, năm quầy thức ăn, một quầy đồ uống, gồm nước dừa, rượu đế. Toàn bộ các món là do các cán bộ của bảo tàng và các cựu binh gom góp chuẩn bị.

Quầy thứ nhất “Cơm nắm muối tiêu, cá cơm kho” của hai bà Nguyễn Thị Khỏi và Nguyễn Thị Nàng. Họ là hai trong số 23 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Bình Chánh (Sài Gòn) may mắn còn sống sót. Bà Khỏi nhớ lại: “Đoàn dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc có cả thảy 55 người, đêm 15.6.1968, cả đoàn được lệnh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hoà - Long An và tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công ra tới bưng thì bị máy bay Mỹ phát hiện, lính Mỹ xả đạn vào đoàn dân công. 32 người hy sinh…”.

Cá đã được kho sẵn, cơm cũng đã được hai bà nắm sẵn thành những nắm xinh xinh để trên những phiến lá chuối mướt xanh trên những chiếc trẹt. “Cơm nắm muối tiêu dễ ăn, dễ làm, ăn no lâu, để được nhiều ngày. Không chỉ là món ăn, cơm nắm còn là phương tiện vận chuyển truyền đơn về cơ sở kín đáo” - bà Nàng nói.

a
 
Cựu chiến binh - anh nuôi Mai Thanh Sơn, Lê Kỳ Quang giới thiệu món cá nướng trui và hát tặng các bạn trẻ.     Ảnh: Â.T
Cựu chiến binh - anh nuôi Mai Thanh Sơn, Lê Kỳ Quang giới thiệu món cá nướng trui và hát tặng các bạn trẻ. Ảnh: Â.T

Trong quầy cơm nắm, có hai món đồ gắn liền với đêm trắng 15.6 đầy đau thương, là cái nồi và cái võng của bà Lê Thị Khuynh. Đêm 15.6.1968, bà Khuynh dùng nồi ấy, nấu 60 vắt cơm chờ đồng đội về ăn, nhưng chỉ có 28 người trở về, 32 nắm cơm dư lại thấm đẫm nước mắt của những người còn sống. Chiếc nồi bị mảnh đạn Mỹ làm thủng 8 lỗ. Bà Khuynh đã dùng đinh nhôm hàn tán lại để tiếp tục sử dụng. Còn chiếc võng đã được dùng để tải chuyển thương binh về ấp trong đêm 15.6 ấy… Chiến tranh kết thúc, năm 2004, bà Khuynh tặng hai kỷ vật cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Quầy hàng “Cá, tôm nướng trui” của hai cựu binh Mai Thanh Sơn và Lê Kỳ Quang đông vui nhất, và làm nức mũi người dự chương trình. Rơm, cá, tôm, được bày sẵn để ông Sơn và ông Quang “trình diễn”. Ông Sơn là anh nuôi, là văn công Sư đoàn 330, ông cũng từng là văn công Tiểu đoàn 307. Ông hào hứng kể: “Tôi là con trai Sài Gòn, nhà khá giả, chẳng biết làm gì. Theo Cách mạng, vô bộ đội, mới biết nấu cơm”.

Món cá nướng trui - ông Sơn học được một cách rất đặc biệt. Ông kể: “Trốn gia đình theo bộ đội, tôi mặc nguyên trên người bộ quần áo học sinh, vì là lính mới nên chưa được nhận quần áo bộ đội. Trong lúc đơn vị dừng chân nghỉ ngơi, tánh tò mò, tôi đi lòng vòng quan sát, nên bị lạc. Do không mặc quân phục, tôi bị du kích bắt và nghi là Việt gian, đem nhốt vào chuồng trâu. Tới tối, tôi lén quan sát du kích nướng cá ăn, nên học lóm được… Tôi đã tìm về lại được tới đơn vị. Đúng lúc ấy, anh nuôi của đơn vị hy sinh. Sẵn có cá do anh bắt được, chưa kịp nấu, tôi “trổ tài” làm món cá nướng trui phục vụ anh em...”.

“Trong chiến tranh, món nướng được ưu tiên hàng đầu vì tính tiện lợi của nó. Bắt cá tôm lên, nướng, có ăn ngay. Gia vị không thể thiếu là chén muối hột giầm ớt. Làm món nướng phải vô cùng cẩn thận, vì khói bay thơm, dễ bị… phát hiện..”, ông Quang nói. Rồi cả hai ông Sơn, Quang sôi nổi hát bài “Con cua đá”.

Hai cựu tù Côn Đảo - Nguyễn Thị Kim Phượng và Nguyễn Thị Cẩm Tiên giới thiệu các món của tù nhân nhà tù Côn Đảo.     Ảnh: Â.T
Hai cựu tù Côn Đảo - Nguyễn Thị Kim Phượng và Nguyễn Thị Cẩm Tiên giới thiệu các món của tù nhân nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Â.T

Xếp về sự mỹ miều của tên món ăn, các món của cựu tù Côn Đảo là bậc nhất: Trứng rồng rôti, kim châm xào... Vừa nhanh tay đảo đậu phộng (lạc) trên chiếc chảo nhỏ xíu đặt trên lò tự chế là lon sữa Guizgo, bà Nguyễn Thị Kim Phượng giải thích nguồn gốc tên món ăn: “Chế độ ăn uống ở nhà tù Côn Đảo rất tồi tệ. Chúng tôi phải nghĩ ra những món ăn để cải thiện, bảo đảm sức khỏe mà đấu tranh. Gọi món trứng rồng rôti là để tưởng tượng mình ăn món ngon sang quý. Thực ra là mấy hạt đậu phộng, ướp gia vị, rang lên có vị béo, mặn, ăn với cơm rất ngon. Ngoài ra chúng tôi còn có món cơm giòn để ăn chơi - là cơm thừa rang giòn, cho gia vị. Món kim châm thực ra là chế biến từ vỏ chuối phơi khô. Khi xào nấu, chúng tôi ngâm vỏ chuối cho mềm, ướp gia vị…”.

Việc có củi lửa nấu ăn trong tù là cả một vấn đề. “Thanh nhiên liệu” của các nữ cựu tù được quấn từ những chiếc áo cũ rách, bọc nylon. Để tránh bị cai tù phát hiện, các cựu tù chuẩn bị một khăn ẩm nước, nếu đang nấu, nghe báo “có động”, họ lấy khăn ướt, bọc vào “thanh nhiên liệu”… Bà Phượng bị bắt năm 1965, khi mới 16 tuổi, bị giam ở nhiều nhà tù. Năm 1974, bà được trả tự do, từ Côn Đảo trở về.

Ở quầy “Bánh tét, bánh ít” của nữ du kích, giao liên Dương Thị Cang và Phạm Nguyệt Thui, bà Lê Tú Cẩm - một vị khách - chậm rãi cột lạt đòn bánh tét. “Cái tay mình già không cột lạt chặt được như xưa nữa rồi. Bánh tét không chỉ là món no lâu, mà còn là nơi giấu tài liệu, vũ khí, truyền đơn an toàn..”.

Quầy “Khoai mì chấm muối mè” do bà Lê Thị Liên, từng là chị nuôi của Trung ương Cục miền Nam đảm trách. “Thấy anh em bộ đội ăn ngon miệng là mình vui”, bà Liên nói.

Khách mời dự chương chương trình không đông, khoảng hơn trăm người, phần đông là sinh viên, bộ đội biên phòng, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, một số khách nước ngoài. Họ đều còn rất trẻ. Nếm náp các món ăn, hỏi chuyện các cựu chiến binh, hát cùng với họ... các bạn trẻ cảm nhận được nhiều điều về lịch sử, về cuộc sống… Một chút rưng rưng nhớ về quá khứ.

“Chương trình nhỏ của chúng tôi - một góc ký ức về những năm tháng gian khổ của đồng bào, chiến sĩ thời chống Mỹ, phần nào giúp thế hệ trẻ nhớ lại truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh, tinh thần lạc quan bất diệt của thế hệ đi trước, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc”, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng nói.

Thùy Ân - Hùng Hằng

TIN LIÊN QUAN

Nhiều hộ dân tự ý quay trở lại nhà ở khu vực di dời vì bão

CÔNG SÁNG |

Nhiều hộ dân tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) quay trở lại nhà khi khu vực của gia đình còn nguy hiểm do ảnh hưởng mưa bão.

Bà chủ Xuyên Việt Oil bị cấp dưới bớt tiền hối lộ quan chức

Việt Dũng |

Để phục vụ cho việc kinh doanh xăng dầu, bà chủ Xuyên Việt Oil đã chi ra hàng triệu USD hối lộ lãnh đạo bộ, ngành song một phần tiền bị cấp dưới bớt xén.

Giá cả ở Việt Nam chênh lệch thế nào trong mắt khách Tây?

Nguyễn Đạt |

Tính toán chi phí du lịch Việt Nam, khách Tây bất ngờ vì đồ ăn nhanh, cà phê khá đắt so với quê nhà, còn dịch vụ làm đẹp quá rẻ.

Dân vùng táo muối đặc sản Hải Phòng nỗ lực cứu vụ Tết

Hoàng Khôi |

Người dân vùng trồng táo muối đặc sản Hải Phòng tiếc nuối, xót xa khi hàng trăm ha táo tươi tốt, đang độ ra hoa để cho thu hoạch vụ Tết bỗng tả tơi, thiệt hại do bão.

Cầu Long Thành hoàn thành sửa chữa vượt tiến độ

MINH QUÂN |

Công tác sửa chữa khe co giãn tại cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành trước kế hoạch 4 ngày.

Bão áp sát, một trường ở Quảng Bình vẫn thi sát hạch lái xe

CÔNG SÁNG |

Mặc dù bão số 4 đã áp sát đất liền, nhưng Trường Trung cấp nghề Bình Minh Quảng Bình vẫn tổ chức thi sát hạch lái xe cho các học viên.

Xuất hiện thư nặc danh dọa đặt bom sân bay Cam Ranh

Hữu Long |

Khánh Hòa – Công an xác định có một thư điện tử nặc danh với nội dung đe dọa đặt bom gửi đến sân bay Cam Ranh.

Chờ hướng xử lý loạt công trình sai phép ở Bắc Ninh

Vân Trường |

Bắc Ninh - Trạm trộn bê tông, trại lợn xây dựng trên đất nông nghiệp dưới chân cầu Bình Than (Gia Bình) chưa được cấp phép nhưng đã hoạt động nhiều năm qua.