Nghĩ về “lòng cả” sông Hồng

|

Đã nhiều năm nay, biết bao nhiêu ý tưởng, dự án để chỉnh trang và khai thác hai bên bờ sông Hồng đã được đưa ra, thậm chí còn xảy ra tình trạng “đụng hàng” dẫn đến kiện cáo giữa những dự án của các tác giả khác nhau.
Cầu Long Biên. Ảnh: TL
Cầu Long Biên. Ảnh: TL

Mấy tuần rồi, giới văn nghệ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân, tên tuổi tiêu biểu cho cả tài hoa văn chương lẫn tính cách người Hà Nội. Phải chăng vì thế mà một ông bạn vong niên, là một chuyên gia thuỷ lợi cũng là người đam mê viết lịch sử thuỷ lợi nước nhà, từ Thành phố Hồ Chí Minh nơi ông đang sinh sống gửi cho tôi một bức thư rất dài tựa như một luận văn với một câu trích của cụ Nguyễn luận về một vấn đề hệ trọng mà người làm nghề thuỷ lợi quan tâm.

Đó là đoạn trích khi Nguyễn Tuân viết ký Sông Đà cách nay đã mấy chục năm. Đi thăm công trình Thuỷ điện Hoà Bình đang xây, cụ Nguyễn nảy ra cái ước mơ thật lãng mạn: “Mai đây, xây đập xã hội chủ nghĩa Sông Đà thì thân đê phía bờ sông Hà Nội rồi sẽ hạ mặt đê xuống dần tiến tới bạt hẳn bờ đê Hà Nội. Phố Thủ đô nhích ra sát ven sông Hồng cho lan can sắt uốn hoa và tường gấm Hà Nội soi mình hẳn xuống sông Hồng, có nước Sông Đà pha mãi vào...”.

Năm nay, hạn lớn, không biết do biến đổi khí hậu, tức chuyện của Giời hay do chuyện của người ở bên kia biên giới cũng đắp đập chặn hết nước thượng nguồn mà dòng sông Hồng cạn kiệt. Những ngày nắng nóng, lại luân phiên cúp điện nên bãi Giữa sông Hồng bỗng trở nên một đại công viên cho thiên hạ từ nơi phố xá nghẹt thở vì nóng và ô nhiễm đổ ra giữa lòng sông, dù không mấy cây cối và ngay cả nước cũng chỉ còn xâm xấp nhưng vẫn được hưởng cái gió sông và khí trời cao lồng lộng, mà tầm mắt lại không chạm dây điện thì... với người bình dân Hà Nội đã là tiên cảnh...
 
Nước sông cạn đến nỗi xe cộ lội bộ ra bãi, lại có người mang ngựa ra làm dịch vụ cho thuê cưỡi tựa như trên Đà Lạt hay ngoài Sầm Sơn. Lũ trẻ tắm truồng và thả diều, người lớn thì cắm trại hưởng chút gió trời và lai rai các món nhậu... Lại nhớ đến câu chuyện có thật về lời khuyên của một viên bại tướng.

Số là, viên sĩ quan có cái tên rất nổi tiếng, De Castrie lúc được cử sang chiến trường Việt Nam mới là đại tá để chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ làm cái mồi dử quân Việt Minh lên miền Tây Bắc... Ông ta mới kịp đi qua cây cầu Doumer (tức cầu Long Biên) một vài lần trước khi bay lên cứ điểm Điện Biên Phủ, để rồi chỉ vài tháng sau, tuy chức vụ được thăng lên cấp tướng nhưng vừa kịp nhận bộ lon tướng thả dù từ máy bay xuống thì De Castrie đã trở thành tù binh, bị Việt Minh bắt sống cùng toàn bộ quân sĩ ra hàng, chiều 7-5-1954.

Xuất thân từ một gia đình danh giá lại là người có học, De Castrie được những người thắng trận, cũng là những người có học ở các trường Tây cũ thẩm vấn trước khi trao trả tù binh. Một trong những câu chuyện sau này được kể lại là De Castrie đưa ra nhận xét với người sĩ quan quân đội Việt Nam, cũng là một chàng trai Hà Nội gốc, rằng ông ta lấy làm lạ vì sao cái thành phố Hà Nội xinh đẹp này lại quay lưng với con sông của mình và bày tỏ rằng, tuy mới biết Hà Nội lần đầu, mà lúc này lại rơi vào thảm cảnh của người bại trận, nhưng ông vẫn hy vọng rằng hoà bình rồi Hà Nội sẽ được xây lại đẹp hơn và gợi ý nên biến bãi Giữa thành một công viên lớn, nơi có thể làm một trường đua ngựa và những chỗ vui chơi cho dân chúng, Hà Nội lúc đó sẽ phát triển cả hai bên bờ của con sông của mình…

Nhắc lại câu chuyện này, để thấy cái sự trùng hợp của những con nguời yêu quý Hà Nội một cách thật lãng mạn. Ông nhà văn của mình và ông tướng người Pháp đều có một hy vọng, và thực ra những hy vọng lãng mạn ấy chẳng có gì là không tưởng.

Cái bãi Giữa, từng là một làng xóm khá trù mật và những thửa đất phù sa trồng hoa màu xanh ngát, trải qua những cuộc đổi dòng của con sông Hồng tính nết thất thường, bên lở bên bồi và những năm tháng mà chiếc cầu thép trở thành mục tiêu không kích dữ dội của máy bay Mỹ, nay chỉ còn là một vùng đất không còn xóm làng. Nay chỉ là những xóm liều của những người vô gia cư hay những người thích cuộc sống giang hồ cùng những chủ đất tận dụng canh tác những vạt đất trồng màu.

Sát mép bờ sông phía nội thành đến nay chẳng thấy những “lan can sắt hoa và tường gấm” như cụ Nguyễn từng hình dung. Của đáng tội, cũng có đây đó những hàng lan can bằng bêtông nay không còn nguyên vẹn của thành phố dựng lên chủ yếu để chống lấn chiếm và đổ phế liệu xuống lòng sông, kề cận với cả một khu dân cư khổng lồ, bắt đầu từ sự cơi nới, nhảy dù chiếm dụng rồi buôn đi bán lại, đến nay thì đã thành đường, thành phố, thành thị trường bất động sản, và cũng đã hình thành một địa bàn hành chính mà về địa lý nằm chính ở khu vực trung tâm, lại là cửa ngõ của Thủ đô nơi có hàng loạt các chiếc cầu qua lại và chỉ cách những khu phố xá sầm uất một đoạn phải qua cửa mở cắt đê xưa nay đã thành đường, nay một đoạn còn được trang trí bởi một “con đường gốm sứ”... 

Đã nhiều năm nay, biết bao nhiêu ý tưởng, dự án để chỉnh trang và khai thác hai bên bờ sông Hồng đã được đưa ra, thậm chí còn xảy ra tình trạng “đụng hàng” dẫn đến kiện cáo giữa những dự án của các tác giả khác nhau. Thành phố cũng đã mời sự trợ giúp của thủ đô nước bạn và nó cũng trở thành một phần của Đại Dự án Quy hoạch Hà Nội tầm nhìn vài chục năm tới... Nhưng dường như khả năng thực hiện vẫn còn ở rất rất xa...
 
... Với anh bạn chuyên gia thuỷ lợi, mối quan tâm hàng đầu chưa phải làm cho Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như nhiều người đã nói đến, mà mối lo hàng đầu lại chính là sự an toàn cho Hà Nội vào cái thời điểm nghìn năm này. Cụ Lý Công Uẩn khi rời đô ra thành Đại La nơi Cao Biền chọn đất làm trị sở cho phương Bắc, rồi đặt tên là Thăng Long cho kinh đô Đại Việt, đã nhấn mạnh đến cái thế đất “cao ráo” được bao quanh bởi những công trình xây đắp vừa là đê chống thuỷ tặc vừa là thành chống đạo tặc.

Ngay cả với triều Nguyễn đã rời đô về Phú Xuân vẫn không buông lỏng việc quản lý đê điều ở Bắc Hà với tổng cộng chừng 870km (217.600 trượng) đê thì theo tính toán của người Pháp thì đủ sức bảo vệ được 50% diện tích vụ chiêm và 80% diện tích vụ mùa... Việc giữ đê hay bỏ đê đã từng được đem ra bàn luận công khai trong triều đình... Bàn không ra cách làm, đến thời Tây sang lại bàn tiếp mà vẫn thấy khó làm, có nghĩa là bất lực cho dù ai cũng thấy cái nguy cơ tiềm ẩn phải tính trước cả trăm năm...

Do đặc điểm sức mạnh quốc gia phân đều cho các làng xã nên ở nước ta, kinh đô không xây dựng cung điện, thành quách bề thế như thiên hạ, cũng không xây một công trình cung đình hay tôn giáo hoành tráng ngay so với láng giềng không lớn nhưng sở hữu cả một Angkor Vat hùng vĩ. Nhưng nếu nhìn cả một hệ thống đê điều được xây đắp từ đời này qua đời khác, nhất là được nhìn cảnh nó chống chọi với dòng nước từ mùa lũ này qua mùa lũ khác thì sẽ mới thấy cái hùng vĩ mang lại sự trường tồn cho một kinh đô và một quốc gia được nuôi sống bởi các dòng sông hung giữ, nó quan trọng dường nào.

Bởi thế, nghề nghiệp khiến ông bạn say mê nghiên cứu thuỷ lợi muốn cảnh báo rằng, xưa nay viết sử, cũng như lúc này ngợi ca Hà Nội vào dịp nghìn tuổi ít thấy nói đến những công trình đê điều mà nguy hại hơn là cứ tưởng việc trị thuỷ con sông Cái nằm kề thành phố thân yêu của chúng ta chỉ còn là vấn đề làm cho nó đẹp chứ không còn phải lo “trị” thuỷ nữa, do quá mê tín vào tầng tầng các hồ chứa nước nơi thượng nguồn với các đập thuỷ điện hùng vĩ mà các chuyên gia Liên Xô năm xưa làm quy hoạch cho ta dự đoán phải mất cả trăm năm mới khai thác hết thì nay chỉ vài chục năm ta đã giải quyết gần xong.

Vả lại, mấy chục tỉ mét khối nước lấp lửng trên thượng nguồn, bài học xả lũ giữ đập hay giữ nước để làm điện đều nguy hại cho hạ lưu như thế nào, đó là chưa kể những rủi ro khó lường. Trong việc trị thuỷ cho những con sông lớn từ thượng cổ cho đến bây giờ việc tìm đường thoát lũ và giữ gìn “lòng cả” (ligne majeuse) luôn là việc hệ trọng hàng đầu. Thời Gia Long trong luật đã cấm tuyệt đối dân cư ngụ ngoài đê; Vua Minh Mạng từng sai ngựa trạm cầm cây roi của mình từ kinh thành Huế ra Bắc Hà để xử tội một viên quan “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc hộ đê...

Nhưng mấy thập kỷ loạn lạc, khiến “lòng cả” của các con sông ngày một chật chội vì con người đến sinh sống và khai thác. Người Pháp lấy khoa học ra tính toán rằng muốn chống lụt thì chẳng những phải giải toả mà còn phải mở rộng lòng sông cho thoát lũ. Họ làm thử được hai đoạn nhưng rồi bó tay, không chỉ vì tốn kém mà còn gặp sức phản ứng của dân bị giải toả, thêm cái cớ Nhật cai trị (1940) nên cho dừng hẳn.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra đúng vào những ngày lũ lịch sử và việc hàn đê chống lụt trở thành công việc đầu tiên của nhà nước cách mạng. Tấm bằng khen đầu tiên được trao cho việc này. Cụ Hồ đi xuống tận Hưng Yên, Thái Bình để đôn đốc; Cụ còn là người chấp nhận sáng kiến đổi mới cho việc hộ đê bằng việc kêu gọi tư nhân “đầu tư” và chấp nhận “đấu thầu” trong các công trình củng cố đê điều... Rồi chiến tranh bùng nổ, Cụ Hồ vẫn tiếp tục hô hào coi đắp đê là đánh giặc, muốn thắng ngoại xâm thì cũng phải thắng thuỷ tặc... Hoà bình chẳng được ban lâu lại phải tiếp tục đánh giặc, mà Mỹ lần này chủ trương dùng cả máy bay ném bom đê điều để làm nhụt ý chí của “hậu phương lớn”...

Cả miền Bắc phải gồng mình đánh cả hai giặc. Từ năm 1968 bỗng nhiên lũ đột biến dâng cao, các cơn lũ năm 1969 và 1971 được coi là hiện tượng lịch sử. Tập san “Thuỷ lợi” số ra ngay sau khi Bác Hồ mất kể lại câu chuyện của Thư ký Vũ Kỳ và Bộ trưởng Hà Kế Tấn cho biết, cuối tháng 8 trước khi qua đời không lâu, Bác gọi Thủ tướng và Bộ trưởng Thuỷ lợi đến bên giường bệnh báo cáo về việc ứng phó với lũ lụt đang hoành hành rồi dặn dò “Nước đang lên to, chú Kỳ bảo Bác đi sơ tán lên chỗ cao nhưng Bác không đi đâu, Bác ở với dân, các chú đừng để lụt làm vỡ đê”.

Năm đó, chúng ta gồng mình vượt qua. Năm sau 1970 nước lên đến mức quán quân trong lịch sử sông Hồng (ở Hà Nội ngày 22-8 lên tới 14,13 mét) nhiều nơi nước tràn đê, nhưng nỗ lực của cả nhà nước và nhân dân vẫn vượt qua... Nhắc đến những điểm sáng trong lịch sử đắp đê phòng lụt này, ông bạn thuỷ lợi của tôi nhắc nhở rằng nhưng vẫn còn đó những mối lo càng đáng lo.

Trở lại với câu chuyện “lòng cả” của dòng sông Hồng. Năm 1958. Bộ Thuỷ lợi được thành lập, trong đó có hẳn một cơ quan “Trị thuỷ sông Hồng”.

Đối phó với giặc, kể cả đạo tặc lẫn thuỷ tặc, ta đều làm được. Nhưng đối phó với “ta” thì thực là khó. Phong trào hợp tác hoá với khí thế “thay trời làm mưa”, “nghiêng đồng đổ nước ra sông” đã nẩy sinh phong trào “đắp đê bồi” xây dựng xóm làm ngoài đê, rồi kéo theo cả cơ quan xí nghiệp cùng chiếm dụng “lòng cả”...

Cuộc điều tra của Bộ Thuỷ lợi năm 1968 cho biết chỉ trên các tuyến chính của sông Hồng, sông Luộc và sông Đuống đã có 144 đê bồi khoanh vùng trong lòng cả một diện tích 29.800ha, diện tích người đến cư trú là 72.000ha với 381.000 nhân khẩu. Đấy là con số hơn 30 năm về trước, không rõ đến nay có con số nào được công bố hay cũng chẳng còn ai chú ý điều tra, để chúng ta hình dung lòng cả của các con sông bị hẹp lại như thế nào trong khi lòng của nó bị phù sa bồi cao một phần cũng do sức chảy của dòng sông bị cản trở bởi chính con người.

Năm 1972, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ lại có văn bản nhấn mạnh yêu cầu giải phóng lòng sông, nhưng rồi cũng chẳng có ai làm. Bộ trưởng Hà Kế Tấn để tỏ rõ sự gương mẫu của cơ quan quản lý nhà nước đã cố gắng giải phóng được một phần khu tập thể của Bộ Thuỷ lợi ngoài bờ sông (khu Hàm Tử Quan). Nhưng chỉ đến đời bộ trưởng kế nhiệm thì đâu lại vào đấy và hơn thế các ngôi nhà tạm thay dần bằng những ngôi nhà kiên cố ngày một cao tầng. Lý sự thật đơn giản, đã lâu không thấy nước về, quá lắm chịu lội đôi ngày nước lớn... Chỉ cần nhìn hai tấm ảnh cách nhau vài ba chục năm đủ thấy cái sức lấn lướt của con người đối với thiên nhiên trong đó có “lòng cả” của sông Hồng Hà Nội nó ghê gớm như thế nào, không chỉ bên này mà cả hai bên bờ đều ngày một đông đúc...

Với một “lòng cả” như thế, lo lắng không biết đến khi Thuỷ điện Sơn La vận hành, dòng chảy của các con sông hoà trộn chảy qua Hà Nội nay đã mở rộng gấp ba sẽ ra sao? Kinh nghiệm lại cho thấy những trận vỡ đê lịch sử quanh Hà Nội, như các vụ Mai Lâm (7-1957), Cống Thôn (8-1970)... đôi khi chỉ vì những sơ suất “rất vớ vẩn” ngay vào thời điểm lũ chưa thật cao...

Ông bạn thuỷ lợi già của tôi, không biết đã lẩn thẩn chưa mà kết thúc bức thư rất dài bằng câu “Niềm vui vĩ đại 1000 năm Thăng Long đang đến, kẻ yếu bóng vía lại nghĩ đến dân làng Gia Mai-An Mã đang hội hè tưng bừng thì thuỷ thần làm cho sụp xuống(!?)” (Ấy là sự tích hồ Ba Bể). Tôi muốn nói với ông bạn già rằng, cứ yên trí lãnh đạo chắc cũng tính mọi việc mà cánh hưu trí khỏi bàn. Dự án thành phố hai bên sông Hồng chưa thành tựu chính là vì chưa tìm ra giải pháp trị thuỷ. Còn giải phóng lòng cả thì các cụ không làm được, Tây không làm được, thì ta cũng khó mà làm được phải tránh vết xe đổ để tìm cách khác. Nói chuyện lo lúc này e rằng nó mất vui vì chỉ không đầy ba tháng nữa là đến ngày đại lễ.

Đêm nay, trên đường đến một nước ở Châu Âu tham khảo việc đắp đê biển có từ mấy trăm năm, đọc qua mạng, thấy sáng hôm nay (13-7), Hà Nội gặp một cơn mưa rất lớn, chưa có nước tràn từ ngoài sông vào mới chỉ có nước ứ ở trong đê thôi đã làm cả thành phố khổ vì lụt, vì thế mà lại cầm bút viết câu chuyện nghỉ ngơi cuối tuần này như một lời nhắc nhở.

 

Dương Trung Quốc
TIN LIÊN QUAN

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Vụ sập cầu Phong Châu, tìm thấy 1 thi thể trong xe tải dưới sông

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều 20.9, lực lượng chức năng trong quá trình trục vớt kết cấu cầu Phong Châu bị sập và phương tiện đã phát hiện 1 thi thể trong chiếc xe tải.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.