Một hiện tượng xã hội
Chắc không một ai đã dự đoán được việc đổi mới, mở cửa và hội nhập có thể dẫn đến hiện tượng đáng băn khoăn trên. Ở đây tôi không đề cập đến việc một số phụ nữ Việt Nam gặp, làm quen trong những dịp giao lưu, giao dịch hoặc làm việc chung với nam giới nước ngoài rồi tiến tới hôn nhân, trong điều kiện có thể xem như bình thường với một thời gian tìm hiểu nhau nhiều tháng, thậm chí vài ba năm, đây là những hôn nhân giống như các hôn nhân giữa người Việt với nhau, chỉ khác ở chỗ chồng là người nước ngoài.
Sở dĩ hiện tượng các cô dâu Việt Nam ở Đài Loan và Hàn Quốc khiến cho tôi trăn trở là vì ở bình diện cá nhân từng cô dâu, thực chất đây là những hôn nhân không bình thường, vì toàn bộ thời gian từ lúc gặp mặt chồng lần đầu tiên cho đến khi đăng ký kết hôn và tổ chức tiệc cưới xong, có thể chỉ mất 5 ngày. Hôn nhân kiểu này cũng mang tính thương mại do vai trò phổ biến của môi giới chuyên nghiệp thu phí. Đồng thời, tạo ra bất bình đẳng, tạo sự lệ thuộc hoàn toàn nơi cô dâu về kinh tế và trong các mặt quan hệ với chồng và gia đình chồng, nói cách khác, các cô dâu Việt Nam bị hạn chế trong thụ hưởng các quyền con người của mình.
Theo những con số thống kể gần đây, quy mô hiện tượng hôn nhân với người nước ngoài qua môi giới ở diện khá rộng: Số cô dâu Việt Nam ở Đài Loan và Hàn Quốc cộng lại (hơn 170.000) cao hơn dân số một đô thị như Tây Ninh (trên 153.000) và chỉ thấp hơn đôi chút dân số Tuy Hòa (202.000).
Hiện tượng này cũng tạo ra những bức xúc khi hoạt động môi giới thô thiển xúc phạm đến hình ảnh của phụ nữ Việt Nam như trường hợp quảng cáo không chỉ trên mạng, mà cả ngoài đường tại Đài Loan: “Hãy mua một cô vợ Việt Nam với giá 6.000USD; Đảm bảo tinh khiết; Đảm bảo bàn giao trong vòng 90 ngày; (...), nếu bỏ trốn trong vòng một năm, bạn sẽ nhận cô vợ Việt Nam khác miễn phí!”. Ngay cả tại Singapore, một công ty môi giới rao “bán” cô dâu Việt Nam giá giảm một nửa (half price)!.
Lấy chồng nước ngoài để thoát nghèo?
Rõ ràng kết hôn với chồng nước ngoài thuộc một nước/lãnh thổ giàu hơn là lựa chọn của hầu hết các cô dâu Việt Nam nhằm thoát khỏi nghèo khó và có cơ hội giúp đỡ gia đình. Về khía cạnh này chắc họ không khác gì những cô dâu Philippines, Indonesia, Campuchia tại Hàn Quốc hay Đài Loan. Điều đáng chú ý là các cô dâu Việt Nam chiếm vị trí hàng đầu tại những nơi này: Năm 2011, phụ nữ Việt Nam chiếm 34% số cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc so với 9% Philippines và 4% Campuchia; còn tại Đài Loan tính từ 2001 gần 1/2 các cô dâu nước ngoài là phụ nữ Việt Nam. Thậm chí, năm 2006, 83% những người nước ngoài trở thành công dân Đài Loan là các cô dâu Việt Nam
Phải chăng các cô dâu Việt Nam có sức thu hút lớn hơn? Thực tế này có thể lý giải bằng văn hóa chăng, văn hóa Việt và văn hóa Hàn Quốc hay Đài Loan có khác biệt nhưng dù sao gần gũi hơn giữa Philippines hay Campuchia với Hàn Quốc hay Đài Loan? Hay có thể lý giải bằng tâm lý “đua nhau” hùa theo đám đông, thậm chí thành phong trào ở những địa phương là nơi tập trung của hiện tượng đang bàn là 6 tỉnh miền Tây gồm Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang và ở miền Bắc là thành phố Hải Phòng. Theo kết quả điều tra nghiên cứu của PGS-TS Hoàng Bá Thình, tại xã Đại Hợp, huyện Kiều Thụy, TP.Hải Phòng năm 2009, 26,6% phụ nữ trong độ tuổi 15 - 49 đã lấy chồng nước ngoài; và ấn tượng hơn nữa, trong mẫu khảo sát có đến 82% số hộ gia đình có một con gái; 15,3% có hai con gái lấy chồng Hàn Quốc; thậm chí một số gia đình có bốn con gái lấy chồng Hàn Quốc!
Lẽ nào không có con đường nào ít rủi ro tổn thương hơn đối với chị em và không ảnh hưởng đến hình ảnh phụ nữ Việt Nam để kiếm sống và thoát nghèo, chẳng hạn như đăng ký đi lao động nước ngoài hay làm người giúp việc tại gia trong nước đang là một nhu cầu của xã hội? Phải chăng cần thẳng thắn nhìn nhận lấy chồng nước ngoài là một lựa chọn “dễ dãi hơn”, lại được gia đình chấp nhận, khuyến khích xuất phát từ tư tưởng lỗi thời coi việc con gái hy sinh cho gia đình là lẽ thường tình? Phải chăng các gia đình và bản thân chị em nên cân nhắc kỹ giữa ưu tiên cho lợi ích vật chất, cuộc sống khấm khá hơn trước có thể kèm theo rủi ro về hạnh phúc với con đường vất vả hơn về lao động và vật chất nhưng không đi đôi với khả năng tổn thương và bất hạnh. Thực trạng hơn 30% số cuộc hôn nhân Hàn - Việt thu xếp qua môi giới thương mại dẫn đến ly hôn, trong khi tỉ lệ các đôi Việt - Việt ly hôn chỉ khoảng 4% minh chứng cho điều đó.
Theo quan điểm cá nhân tôi, một mặt chúng ta không thể “lên án” nhưng cũng không thể hoan nghênh, khuyến khích việc lấy chồng nước ngoài thông qua môi giới thương mại hợp pháp. Mặt khác đây là một hiện tượng kinh tế - xã hội - văn hóa không thể không bận tâm với hy vọng sớm có ngày phụ nữ nghèo thật sự tìm kiếm và kiếm được việc làm trong hoặc ngoài nước (theo kênh “xuất khẩu lao động”) hoặc chí ít cũng kiếm được người chồng tại Việt Nam để bớt lệ thuộc và có điều kiện tối thiểu để tự vệ trong môi trường sống quen thuộc, thân thương và để hai bên thông gia có thể thực sự hiểu nhau và tôn trọng nhau. Suy cho cùng hạnh phúc trong điều kiện túng thiếu vẫn hơn bất hạnh trong điều kiến sung túc.