Sở hữu một căn nhà là mục tiêu lớn của nhiều người trẻ, nhưng các biến động của thị trường bất động sản và mức độ tăng giá đã khiến thế hệ trẻ nhiều lần phải trì hoãn.
Vợ chồng chị Đặng Thị Thủy (35 tuổi) cùng làm kế toán ở Hà Nội, mỗi tháng thu nhập khoảng 40 triệu đồng và tiết kiệm được một nửa số đó.
Trong 2 năm nay, anh chị có thêm khoản thưởng cuối năm khoảng 80-90 triệu đồng. Với số tiền tiết kiệm sau 6 năm kết hôn, 2 vợ chồng lên kế hoạch sẽ mua nhà trong năm nay. Tuy nhiên giá nhà vẫn ở mức cao nên đã làm kế hoạch bị trì hoãn.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - nhận định, giá nhà tăng cao và tích lũy thấp là trở ngại lớn trong việc mua nhà với người Việt trẻ tuổi.
Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng việc tăng giá bất động sản là hệ quả tất yếu từ thực tế nguồn cung căn hộ thấp, trong khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp cùng với giá nguyên vật liệu ngày càng tăng cao.
Theo số liệu thống kê mới nhất, người trẻ với mức thu nhập khả dụng trung bình 200 - 250 triệu đồng/năm, tương đương 15 - 20 triệu/tháng thì phải mất khoảng gần 30 năm tích lũy mới mua được nhà.
Dù vậy, chỉ số này sẽ chưa dừng lại bởi theo báo cáo của batdongsan.com.vn công bố ngày 11.4, giá nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước bất chấp nhiều biến động thị trường.
Tuy nhiên, áp lực mua nhà không chỉ xoay quanh câu chuyện về giá. Những biểu phí cần chi trả, đặc biệt trong những năm đầu sau khi có nhà cũng là gánh nặng khiến nhiều người ái ngại trước quyết định mua hay không?.
Với mong muốn cho con môi trường sống tốt và thoải mái hơn thay thế cho căn phòng trọ chật hẹp, gia đình anh Vũ Đức An (32 tuổi) đã lên kế hoạch mua nhà từ vài năm trước. Song đến hiện tại vẫn chưa đủ can đảm để mua nhà.
Theo anh An, những năm đầu có rất nhiều chi phí phát sinh lên đến hàng trăm triệu đồng. Từ những khoản lớn như nội thất hơn trăm triệu phải chi trả ngay khi nhận nhà đến những khoản cố định như phí quản lý, phí gửi xe hằng tháng.
“Mọi phát sinh chi phí lớn đều diễn ra trong giai đoạn đầu. Đây cũng là thời điểm các khoản nợ gốc và lãi vay nhiều nhất khiến nỗi lo nhân đôi. Chưa kể còn các khoản định phí như sinh hoạt, học phí cho con,…”, anh An cho hay.
Những trăn trở của anh An cũng là thực tế phải đối mặt của nhiều gia đình sau khi có nhà. Các khoản phí lớn phải chi dồn nén trong cùng thời điểm đã khiến niềm vui ban đầu trở thành nỗi lo khi phải thắt chặt mọi chi tiêu, giãn kế hoạch có con, làm việc gấp đôi,…
Tuy nhiên nếu giảm thiểu tối đa những khoản phí phát sinh này, đây sẽ là một động lực rất lớn để gia đình trẻ tự tin sở hữu nhà và thoải mái hơn hậu có nhà.
Ngoài ra, những rủi ro pháp lý tiến độ giữa thị trường “vàng thau lẫn lộn” cũng khiến nhiều khách hàng e ngại. Việc bán nhà ở hình thành tương lai cũng khiến nhiều khách hàng đối mặt rủi ro khi chủ đầu tư thiếu vốn không thực hiện theo đúng tiến độ cam kết khiến người dân dù đã đóng đủ tiền nhưng không có nhà ở.
Một số chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng họ không biết mua gì và tìm ở đâu để mua. Với nhóm khách hàng này, tiết kiệm được một tỉ đồng đã khó, nhưng với số tiền này họ cũng không dễ mua được nhà. Nếu vay thêm lại vướng vấn đề lãi suất còn nếu mua ở các dự án mới thì giá bán cao…