"Bán bớt tài sản đi hoặc hạ giá để trang trải..."
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - tại Hội nghị Tín dụng bất động sản cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp âm dòng tiền, thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.
Tuy nhiên, từ góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank - cho rằng: “Việc lo lắng các doanh nghiệp chết trên đống tài sản, tôi rất thấu hiểu. Nhưng xem xét lại thấy rằng đống tài sản vẫn còn đấy, nếu khó khăn thì bán đi để trang trải. Vấn đề là bán với giá nào thôi. Nếu doanh nghiệp bán một tài sản khi thị trường bình thường là 10 đồng thì khi khó khăn hãy hạ giá xuống 6 đồng, có người mua sẽ thu về tiền mặt, trang trải nợ nần, tái cơ cấu".
Theo các chuyên gia, thay vì “kêu khóc” chờ ngân hàng cho vay hay xin hoãn giãn nợ, các doanh nghiệp bất động sản nên tự bán bớt tài sản để trang trải nợ nần.
Doanh nghiệp âm dòng tiền kinh doanh
Trở lại câu chuyện Hà Nội Melody Residences, phân tích báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons trong quý IV/2022 cho thấy bức tranh kinh doanh ảm đạm.
Đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.011 tỉ đồng (tăng 4,6 lần so với thời điểm cuối năm 2021). Con số này cấu thành chủ yếu do tăng các khoản phải thu (1.198 tỉ đồng), tăng hàng tồn kho (601 tỉ đồng), chi lãi vay và lãi hợp đồng hợp tác đầu tư (115 tỉ đồng).
Doanh thu thuần đạt trên 1.215 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Công ty ghi nhận khoản lỗ trước thuế trên 38,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số lợi nhuận trước thuế lãi trên 123 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế âm hơn 44,8 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 98 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt trên 87,9 tỉ đồng, giảm 63% so với năm trước.
Nợ phải trả lên tới trên 7.562 tỉ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 2.537 tỉ đồng, tăng 29%.
Với vốn chủ sở hữu đạt 1.490 tỉ đồng, giảm 2% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của HTN là 5,07 lần.
Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản của HTN đạt 9.053 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền chỉ còn 83,7 tỉ đồng giảm 80% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Trọng Khương - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land - cho biết: “Như một số nước trên thế giới, việc huy động vốn từ trái phiếu là một nguồn tiền rất tốt cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, do một vài sự việc dẫn đến tình trạng mất niềm tin của người dân và trái chủ, kênh huy động này gặp bế tắc. Để giải quyết khó khăn này, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ để các trái chủ an tâm là các doanh nghiệp tồn tại và phát triển tốt, từ đó các trái chủ mới cảm thấy yên tâm đầu tư. Đề xuất NHNN nới room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư.
Trong việc cơ cấu nợ, với Tập đoàn Hưng Thịnh, câu chuyện nhảy nhóm nợ thì chưa, nhưng không phải là không nhảy. Nếu không có chính sách quyết liệt hỗ trợ thì việc chúng tôi bị nhảy nhóm nợ có thể xảy ra. Việc gia hạn nợ cũng là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp”.
Ông Lê Trọng Khương cho rằng lãi suất hiện ở mức cao. Nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam nhưng hiện tại gần như không tham gia đầu tư và đang ở tâm thế chờ đợi. Lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm đưa ra thị trường.