Đó là thông tin được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nói tại buổi họp báo về tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, ngày 6.4.
Hoa Sen bỏ khu công nghiệp, rời khỏi Ninh Thuận
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận được xem là địa phương còn nhiều khó khăn nên đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư, mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây khu công nghiệp (KCN).
Tuy nhiên thực tế lại không như kỳ vọng. Không ít doanh nghiệp xây dựng KCN theo kiểu nửa vời, tỉ lệ lấp đầy là... 0% - gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc dư luận.
Nổi lên là KCN Du Long của Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Hoa Sen Du Long (Công ty Hoa Sen Du Long, Tập đoàn Hoa Sen) và KCN Phước Nam của Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận.
Cả hai KCN này đều có tỉ lệ lấp đất rất thấp, hằng năm việc thu ngân sách cũng thấp, chưa đầy 400 triệu đồng/năm.
Nói về KCN Long Du của Tập đoàn Hòa Sen, ông Sử Đình Vinh – Giám đốc Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận cho biết, vào giai đoạn đầu từ năm 2008- 2017, việc triển khai đầu tư hạ tầng KCN Du Long chậm là do chủ đầu tư hạ tầng trước đây là Nhà đầu tư Trung Quốc (Công ty TNHH MTV Đầu tư Quốc tế Hoa Thìn Long Đức Phong) không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm triển khai.
Mặc dù chủ đầu tư Trung Quốc không có năng lực nhưng việc xử lý, thu hồi đối với KCN gặp khó. Nguyên nhân là vướng các quy định liên quan đến hiệp định bảo hộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Mãi đến giai đoạn 2, từ năm 2018-2021, doanh nghiệp Trung Quốc giao lại việc đầu tư cho Tập đoàn Hoa Sen.
Sau khi tiếp nhận dự án KCN Du Long, Tập đoàn Hoa Sen gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ nên đầu tư chậm trễ.
Từ tháng 5.2021 đến nay, KCN Du Long đã được Tập đoàn Hoa Sen chuyển nhượng cho Công ty Phát triển hạ tầng KCN Vĩnh Phúc.
Đến nay, Công ty Phát triển hạ tầng KCN Vĩnh Phúc vẫn chậm tiến độ, chậm thi công dự án.
Quan điểm Ninh Thuận là kiên quyết xử lý
Tại buổi họp báo khi nói về thực trạng KCN trên địa bàn, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam thừa nhận, 2 KCN Du Long và Phước Nam quả thật chậm tiến độ nhiều năm.
Trước đây, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập đoàn thành tra rà soát pháp lý, các cam kết tiến độ triển khai thực hiện tại 2 KCN này và đi đến xử lý các vấn đề cụ thể.
Như trường hợp KCN Du Long của Tập đoàn Hoa Sen, tỉnh Ninh Thuận đã làm việc với Bộ TNMT xin ý kiến về vấn đề đất đai. Sau này, Bộ TNMT trả lời dự án chậm trễ có yếu tố khách quan. Việc thu hồi, xử lý dự án vì thế phải tuân thủ quy đinh pháp luật.
“Tinh thần đó, tỉnh Ninh Thuận gia hạn thêm một năm (từ năm 2021 đến năm 2022). Đến nay, dự án cũng vừa hết hạn nhưng chủ đầu tư cũng chậm trễ thi công. Hiện nay, tỉnh đang thành lập đoàn kiểm tra. Chúng tôi sẽ mời cho được 2 chủ đầu tư đến làm việc để họ cam kết tiến độ” – Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam nói.
Nói về việc sang nhượng dự án tại các KCN trong đó có khu công nghiệp Du Long của Tập đoàn Hoa Sen, Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho rằng, họ tái cơ cấu và pháp luật cho phép.
Chia sẻ thêm về việc phát triển KCN trên địa bàn, Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định, tỉnh quyết tâm hình thành 2 KCN Du Long và Phước Nam và cả KCN Cà Ná (đang hoàn thiện hồ sơ).
“Việc có KCN, chúng ta sẽ giải quyết việc làm cho người lao động. Có cả cơ sở phát triển thúc đẩy kinh tế, phát triển công nghiệp” – Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam thông tin.