Công ty Savills Việt Nam vừa có báo cáo mới nhất về triển vọng thị trường M&A Việt Nam trong năm 2022. Theo Savills, khi những rào cản du lịch được dỡ bỏ, các nhà đầu tư có thể trực tiếp di chuyển tới các dự án để nghiên cứu thị trường, tìm hiểu mô hình kinh doanh hay đánh giá tiềm năng của ngành. Từ đó, quá trình giải ngân nguồn vốn FDI sẽ trở nên thuận tiện hơn, góp phần gia tăng tỉ lệ thành công của các giao dịch M&A. Ngành bất động sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội tạo sức bật cho các hoạt động mua bán - sáp nhập và trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp quốc tế trong năm 2022.
Bên cạnh những yếu tố vĩ mô thuận lợi, sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước đóng vai trò tiên quyết giúp củng cố niềm tin của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam. “Bước sang những tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tình hình hoạt động M&A tích cực. Đặc biệt, ngành kinh doanh bất động sản xếp thứ 2 toàn ngành khi thu về tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,52 tỉ USD, chiếm 30,4% thị phần. Những con số này đã phần nào khẳng định nhu cầu và kỳ vọng của các doanh nghiệp ngoại quốc trong việc phát triển các dự án bất động sản tại Việt Nam”, báo cáo của Savills nhấn mạnh.
Bà Đỗ Lan Anh, Thành viên Hội đồng đầu tư Quỹ Asia Business Builders, Giám đốc M&A của ABB Merchant Banking cũng cho rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua và 2022 sẽ là năm bùng nổ với các hoạt động M&A. Hiện tại, hoạt động M&A được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như Chính phủ kiên định với chính sách sống chung và thích ứng với dịch bệnh, trong đó có việc mở cửa lại ngành du lịch từ ngày 15.3.2022.
Cũng theo bà Lan Anh, ngoại trừ các ngành dịch vụ, bán lẻ, khách sạn, du lịch có thể còn cần thêm thời gian hồi phục, các lĩnh vực khác sẽ rất thu hút nhà đầu tư nước ngoài, có thể kể tới đó là dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, logistics, sản xuất - chế biến, công nghệ thông tin. Ngoài ra, các ngành có tính chất “phòng thủ” như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo cũng sẽ thu hút tốt dòng vốn đầu tư, đặc biệt với doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hay nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán”, bà Lan Anh nhấn mạnh
Còn theo quan điểm của ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, có những nhà đầu tư tin rằng, một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới đang bắt đầu và cần phải “tranh thủ”. Những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, hoặc đơn giản là có nguồn tiền nhàn rỗi đang tích cực tìm kiếm cơ hội trên thị trường M&A bất động sản khi có nhiều yếu tố hỗ trợ như kinh tế đang trên đà hồi phục, hoạt động đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông lớn được thúc đẩy…
Xét về phân khúc sản phẩm, ông David Jackson đánh giá, nhiều chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án còn dang dở và tiến hành các chiến lược tiếp thị quy mô lớn, dài hơi. Một số chủ đầu tư có tiềm lực tài chính đẩy mạnh hoạt động M&A để rút ngắn thời gian tạo lập quỹ đất. Những đợt bùng phát dịch COVID-19 đã khiến những chủ đầu tư không đủ tiềm lực phải tạm rời khỏi thị trường, còn lại là những đơn vị có thực lực, sức chống chịu tốt và đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để tiếp tục vượt lên. Đây là thời điểm quan trọng mang đến nhiều cơ hội cho họ.