Thế nào là đất vi phạm?
Đất vi phạm là đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1.7.2014 theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, gồm những trường hợp như:
- Đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng như công trình giao thông, thủy lợi,… sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ.
- Đất lấn, chiếm lề đường, lòng đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng.
- Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng công trình sự nghiệp, trụ sở cơ quan, công trình công cộng khác.
- Đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng cho nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trại, trạm, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp.
- Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mà chưa được cho phép.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp như trồng cây hàng năm, cây lâu năm,… do tự khai hoang.
Cách xác định diện tích đất vi phạm hành chính
Tại Điều 8 Nghị định 91/2019/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết về cách xác định diện tích đất vi phạm và mức phạt hành vi vi phạm hành chính, cụ thể:
1. Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất thì xác định theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật Đất đai.
2. Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đã có bản đồ địa chính thì sử dụng bản đồ địa chính để xác định. Trường hợp không có bản đồ địa chính nhưng có bản đồ khác đã, đang sử dụng trong quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định.
3. Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất mà không có giấy tờ quy định nêu trên hoặc vi phạm một phần diện tích thửa đất thì người thi hành nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xác định phạm vi, ranh giới đất vi phạm; xác định diện tích đất vi phạm hoặc trưng cầu đơn vị có chức năng đo đạc (trong trường hợp diện tích đất vi phạm lớn, hình thể thửa đất phức tạp không thể đo đạc bằng phương pháp thủ công) để xác định diện tích đất vi phạm ghi vào biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp người có hành vi vi phạm không đồng ý với kết quả đo đạc do cơ quan thanh tra, kiểm tra xác định thì được quyền thuê đơn vị có chức năng đo đạc xác định lại diện tích đất vi phạm. Chi phí trưng cầu đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm do người vi phạm chi trả.
Việc xác định mức phạt cụ thể đối với từng trường hợp sẽ căn cứ vào khung xử phạt quy định tại Nghị định này và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.