Nhà tái định cư được hiểu là nhà ở xây dựng để phục vụ cho việc tái định cư, được bố trí cho các cá nhân, hộ gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng theo quy định trong khoản 6 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014.
Đây là loại hình được ưu tiên trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Nhà ở tái định cư thường có giá thấp hơn so với giá trị thực được bán ra ngoài thị trường, thậm chí các khu vực tái định cư chung cư còn có giá thấp hơn so với diện nhà tái định cư lân cận mặt đất.
Chính vì vậy, nhiều người nghĩ rằng việc đầu tư vào nhà ở tái định cư sẽ sinh được lời vì giá rẻ hơn so với thị trường. Chia sẻ với PV Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Phương Đông (một doanh nghiệp bất động sản) – cho rằng, mặc dù giá rẻ hơn so với thị trường nhưng để đầu tư phân khúc này lợi nhuận sẽ không cao.
Nếu nhà đầu tư ít vốn, chưa am hiểu thị trường để đầu tư các phân khúc khác như đất nền, căn hộ chung cư thương mại thì nên gửi ngân hàng để hưởng lãi vay.
Ông Tuấn đưa ra một ví dụ, một căn hộ tái định cư ở khu B11B Nam Trung Yên (Hà Nội), diện tích khoảng 58m2 có giá 1.4 tỉ đồng vào năm 2017, đến năm 2023 chủ nhà đang rao 2.1 tỉ đồng.
Như vậy, nhìn vào con số thực tế, vị này cho rằng mức tăng của căn hộ tái định cư là không cao. Bởi lẽ, với nhà tái định cư, càng về lâu giá càng chững lại do chất lượng không được tốt.
Ông Tuấn cũng chỉ ra những ưu điểm của phân khúc bất động sản này như diện tích nhỏ, thiết kế đơn giản nên suất đầu tư không cao. Chính vì vậy, những người có ít vốn nhưng muốn đầu tư ở nội thành lại cân nhắc để lựa chọn.
Tuy nhiên, khi nguồn cung không nhiều thì các nhà đầu tư phải nghiên cứu, tìm hiểu để lựa chọn những sản phẩm đẹp, dễ thanh khoản.
“Nếu xem nhà tái định cư là một kênh đầu tư thì hiệu quả không cao. Thực tế, như tôi đã nêu ở một ví dụ trên, mặc dù căn hộ ở vị trí trung tâm, hạ tầng thuận lợi nhưng mức tăng trưởng trong 6 năm qua là không cao”, ông Tuấn nói.
Vị này nói thêm, cũng vào thời điểm năm 2017, với số vốn khoảng 1,5 tỉ đồng, nếu biết cách lựa chọn kênh đầu tư khác biên lợi nhuận chắc chắn cao hơn. Loại hình khác ở đây như đất nền ven đô, hay chung cư thương mại ở vùng ven...
Ở góc độ pháp lý luật sư Nguyễn Huy An (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện nay, nhà chung cư tái định cư hoàn toàn có thể tham gia mua bán và chuyển nhượng khi được cấp giấy chứng nhận.
Song, thực trạng mua bán chưa có sổ đỏ rất phổ biến dưới hình thức hợp đồng ủy quyền căn hộ tái định cư, vì thế nếu không biết cách mua người mua rất dễ sập bẫy.
Để tránh “tiền mất tật mang”, người mua nên lưu ý một số vấn đề như khi mua nhà chung cư tái định cư chưa có sổ đỏ chính thức mà thông qua hợp đồng ủy quyền, người mua cần đàm phán và thêm những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng.
Trong trường hợp mua bán nhà chung cư tái định cư chỉ căn cứ vào giấy sang nhượng, giấy ủy quyền viết tay đều không được pháp luật công nhận.
Ngoài ra, người mua cần tìm hiểu kỹ những tiêu chuẩn, quy định, chất lượng, vị trí và những quyền hạn chuyển nhượng mua nhà tái định cư cho đối tượng không thuộc diện mua loại hình nhà ở này…