Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 14 mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp đã được cấp giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khai thác còn lại khoảng 39,1 triệu m3, trong đó tổng công suất khai thác các mỏ trên là khoảng 3,39 triệu m3/năm. Các mỏ này đều nằm rải rác trên địa bàn các huyện Nho Quan, Yên Mô và thành phố Tam Điệp.
Trong khi đó, 2 dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là Dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn được đề xuất nguồn vốn dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, được phép giải ngân đến hết năm 2025 (khoảng 2 năm).
Theo tính toán, khối lượng vật liệu đắp nền cho hai dự án cao tốc trên là khoảng 5,5 triệu m3 (khoảng 4,5 triệu m3 đối với Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng và 1 triệu m3 đối với Dự án Cao Bồ - Mai Sơn). Trong khi đó thời gian thi công của dự án, nhất là phần đắp nền đường chỉ được thực hiện trong khoảng 1 năm, ngoài ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang triển khai nhiều dự án khác để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy với công suất khai thác các mỏ hiện tại đang hoạt động không đủ đáp ứng được khối lượng và tiến độ cung cấp vật liệu theo yêu cầu của các dự án đường bộ cao tốc nêu trên.
Đối với sự cần thiết áp dụng cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội, UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản rất phức tạp, kéo dài nhiều khâu, nhiều cấp với thời gian thi công rất ngắn nên không thể đáp ứng được tiến độ thi công và giải ngân hai dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Do đó, việc được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ giảm được các khâu trung gian, thực hiện các thủ tục khai thác ngay, đáp ứng được tiến độ của dự án, góp phần ổn định giá vật liệu, hạn chế chi phí xây dựng.