Ông Phùng Đức Hoàng ở Bắc Ninh năm nay đã ngoài 80 tuổi có mảnh đất ở và nhà ở rộng gần 200 m2. Ông có mong muốn sang tên nhà đất cho 2 người con trai. Tuy nhiên, các con của ông đều đi làm ăn xa nên ông rất băn khoăn rằng nếu tặng cho con khi còn sống, rất có thể con ông sẽ bán căn nhà này đi. Thế nhưng nếu ông không sang tên cho con mà di chúc để lại thừa kế, sau này khá phức tạp về pháp lý.
Cùng suy nghĩ như ông Hoàng, bà Trần Thị Tươi ở Bắc Ninh cho biết, hiện nay, bà đã ngoài 70 tuổi. Bà Tươi có 2 người con gái và 1 người con trai. Hai người con gái đã đi lấy chồng. Bà ở cùng người con trai đã gần 40 tuổi. Nay, bà muốn sang tên nhà đất cho con trai. Tuy nhiên, con trai của bà lại là người nghiện cờ bạc. Nếu bà tặng cho con trai, bà sợ anh này sẽ không phụng dưỡng bà.
Để giải quyết những thắc mắc của người dân, luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, việc tặng cho nhà đất là quyền của mỗi công dân. Tuy nhiên, đối với người già, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, công dân có thể lựa chọn chế định tặng cho có điều kiện.
Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, người dân, nhất là những người già khi tặng nhà đất cho con có thể yêu cầu các điều kiện đi cùng như, không được bán tài sản khi người này còn sống, người được tặng tài sản có trách nhiệm phụng dưỡng người cho tài sản... Những điều kiện này không trái thuần phong mỹ tục nên hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Khi đó, công dân có thể sang tên nhà đất cho con mà vẫn đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Một vấn đề người dân cần lưu ý. Nhà đất là bất động sản. Do đó, khi làm hợp đồng tặng cho bất động sản cần thực hiện theo Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015:
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Như vậy đối với bất động sản, người dân khi thực hiện tặng cho, tặng cho có điều kiện cần quan tâm đến các thủ tục pháp lý đi kèm. Theo đó, việc tặng cho có điều kiện bắt buộc phải đảm bảo cả về hình thức và nội dung. Hành vi pháp lý cần phải được lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực được đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật hiện hành.