Hơn một năm sau ngày nhà điêu khắc Lê Công Thành ra đi, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái vẫn chưa nguôi nỗi nhớ chồng. Một đời lụi cụi bên ông, sẽ sàng nâng giấc cả những thất thường đồng bóng của chồng, bà làm vợ, làm học trò, đồng nghiệp, làm thư ký, y tá, giúp việc… nhẫn nại và bao dung, tất cả để Lê Công Thành có một tâm thế tự do khoáng đạt nhất dành cho sáng tạo.
Điêu khắc Việt Nam gần như được đồng nghĩa với hệ thống tượng đài ngoài trời thuần cảm hứng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Lê Công Thành xuất hiện giống một lập dị cá tính. Sau tượng đài Chiến thắng Núi Thành mà ông chỉ đạo thi công ở quê nhà Quảng Nam Đà Nẵng, rồi bị ngã từ giàn giáo cao mấy chục mét xuống đất, thoát chết, từ đó ông cũng thoát xác thành một con người khác hẳn.
Năm 2007 một ngoại lệ hiếm hoi, nhận lời mời trọng thị nhiệt tâm của lãnh đạo Đà Nẵng, Lê Công Thành lại trở về quê hương, tự khảo sát vị trí, tự lên kế hoạch thực hiện để cuối cùng, tượng đài Mẹ Âu Cơ kiêu hãnh án ngữ công viên Biển Đông của thành phố đáng sống nhất Việt Nam, một biểu tượng của sinh sôi nảy nở truyền đời trấn trạch vị trí chiến lược - bãi biển Sơn Trà - nhìn ra Thái Bình dương… Từ đó đến nay, dù vẫn có những tranh cãi, nhưng Mẹ Âu Cơ thực sự là tượng đài đẹp, tôn trọng bối cảnh chung, góp phần xác lập thêm một địa điểm “check in” giá trị cho du khách khi tới Đà Nẵng…
Trong cuộc đời gần 90 năm của mình, có thể dễ dàng hình dung Lê Công Thành với hai giai đoạn sáng tạo. Thực ra, tỉnh dậy sau quãng thời gian hôn mê vì tai nạn trời giáng ở công trình thi công tượng đài Chiến thắng Núi Thành, ông đã tự biến đổi chính mình. Đoạn tuyệt với Lê Công Thành quá khứ, Lê Công Thành mới mẻ, táo bạo, hiện sinh và duy mỹ - một Lê Công Thành tuyệt đối vị nghệ thuật - vị cái đẹp mà không còn phải băn khoăn cho những ràng buộc chi nữa.
Một dạo ông hay đi ra đường, gặp gỡ tiếp xúc với đủ người, nhất là những người đàn bà lam lũ, các cô ve chai đồng nát. Ông làm quen với họ, nghe chuyện cuộc đời họ, chia sẻ cảm thông với những bất hạnh mà họ gánh vác trong đời, chiêm ngưỡng vẻ đẹp bừng bừng sức sống mà tạo hóa ban cho họ, và rồi ông làm bất tử vẻ đẹp ấy trong những bức tượng đàn bà khỏa thân đủ mọi sắc thái.
Đến nhà ông, lặng người trước phòng tượng của ông, cảm giác như lạc vào vườn địa đàng hạ giới, ở đó có những nàng tiên trong veo nô đùa, tịnh không một vương vấn bụi trần, và Lê Công Thành là người cai quản thuần phác nhất, hồn hậu nhất vườn địa đàng ấy. Ông dường như tự lập nên một giáo phái lấy tên là “Đẹp”, tự phong mình là vị thần của giáo phái “Đẹp”. Say sưa tụng ca vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, Lê Công Thành gửi gắm vào đó những ẩn dụ về nhân sinh quan, vũ trụ, về sự giao hòa giữa tự nhiên và thế giới loài người.
Càng ngày, giá trị của Lê Công Thành càng được định lượng rõ ràng hơn. Tác phẩm của ông đã hiện diện phong phú thêm trong đời sống. Mối lo kho tàng nghệ thuật ông để lại sẽ khuất lấp dưới lớp bụi thời gian ở căn hộ lặng lẽ của ông bà đã vơi bớt phần nào khi xuất hiện nhà sưu tầm, nhà đầu tư yêu nghệ thuật quan tâm yêu mến tác phẩm của ông - chủ đầu tư Văn Phú – Invest. Văn Phú - Invest là một nhà phát triển bất động sản có gu riêng biệt, không đi theo những sản phẩm số đông. Thay vào đó, doanh nghiệp luôn hướng tới những giá trị sống tốt đẹp cả về vật chất và tinh thần, giúp tạo dựng nên một cộng đồng cư dân văn minh và biết yêu cái đẹp.
Ngày Lê Công Thành qua đời, từng ước rằng: “Giá như có những đại gia nào đó, những mạnh thường quân nào đó, những nhà quản trị đô thị nào đó, và có cả những không gian khoáng đạt nào đó, cùng xúm vào phóng to những bức tượng đó, đặt ở ngoài trời, cho công chúng được chiêm ngưỡng cái đẹp, sống giữa cái đẹp, quen dần với đẹp như đã và đang từng phải chấp nhận sống chung với xấu, chịu đựng hệ thống tượng đài xấu đến khó hiểu trên khắp mọi miền đất nước suốt bao năm tháng qua…” thì nay ước muốn của ông đã thành hiện thực. Văn Phú - Invest đã giúp ông đưa cái đẹp đến gần hơn với cộng đồng thay cho lời tri ân một tài năng thiên bẩm, giúp kho báu của ông có được chỗ đứng và sống dậy thêm một lần nữa trong đời.
Hiểu và cảm sâu sắc tinh thần cũng như giá trị nhân văn ẩn chứa trong các tác phẩm của “phù thủy điêu khắc” Lê Công Thành, Văn Phú - Invest đã sưu tầm và phóng tác các tác phẩm của ông, đưa vào không gian chung tại nhiều dự án như Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông, The Van Phu – Victoria, Oakwood Residence Hanoi, trụ sở văn phòng công ty…
Mỗi một công trình của Văn Phú - Invest đều như một bảo tàng thu nhỏ với sự hiện hữu tâm hồn, sức sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ tài hoa. Khách sạn Oakwood Residence Hanoi nằm bên bờ hồ Tây lồng lộng gió là một trong những dự án tiêu biểu, ngập tràn tinh thần khai phóng của Lê Công Thành.
Một tác phẩm nghệ thuật dù danh giá đến đâu, giá trị cũng nhân lên nhiều khi có sự tương tác với công chúng, có nhiều cơ hội để công chúng thưởng ngoạn và trầm trồ tấm tắc và đó cũng là lý do Văn Phú - Invest muốn đưa các tác phẩm của ông đến gần hơn với cộng đồng. Và chỉ khi Văn Phú - Invest thực sự đưa nó vào không gian đời sống người ta mới nhận ra rằng điêu khắc của Lê Công Thành hài hòa vô cùng với không gian kiến trúc hiện đại. Có được sự đồng điệu, tâm đầu ý hợp giữa những nhà đầu tư yêu nghệ thuật, luôn khát vọng đem nghệ thuật phục vụ con người và các nghệ ĩ vị nghệ thuật, không gian đô thị chắc chắn sống động hơn, cộng đồng văn minh hơn vì được… sống chung với “đẹp”.
Giờ này ở một thế giới khác như lúc sinh thời, ông từng tự nhủ: “Về già, tôi không làm người canh giữ đền đài họ tộc. Tôi chỉ muốn ngồi bên em. Đặt bàn tay mình lên nơi chốn ấy. Để nhớ lại nơi tôi đã sinh ra. Và sắp đến cũng chính từ nơi ấy. Sẽ là nơi tôi bước chân sang một cuộc đời mới” - nhà điêu khắc Lê Công Thành chắc vui hơn, yên tâm hơn, thanh thản hơn vì tác phẩm của mình, nghệ thuật của mình đã bước nhiều vào cuộc sống, tự do kiêu hãnh dưới ánh mặt trời…