“Đất vàng” bỏ hoang gần 14 năm
Như Lao Động đã thông tin, năm 2008, BQL KKT Dung Quất cấp chủ trương đầu tư, giao 12ha đất cho Công ty TNHH Eastar KIC Việt Nam (Công ty KIC Việt Nam) đầu tư dự án Nhà máy Eastar KIC Việt Nam. Tuy nhiên, KIC Việt Nam không triển khai đúng tiến độ, bị khó khăn tài chính... nên đã bị chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng, BQL KKT Dung Quất lại không thu hồi đất, lại còn làm trung gian để Công ty KIC Việt Nam chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp khác.
Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi Công ty KIC Việt Nam hoàn thiện việc san nền, xây tường rào cổng ngõ kiên cố cùng một số hạ tầng khác và BQL KKT Dung Quất thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do không có năng lực thực hiện, đến giờ khu đất vàng 4 mặt tiền ở KKT Dung Quất với diện tích lên đến hơn 12ha vẫn là bãi đất hoang.
Ghi nhận hiện trường cho thấy, cả khu đất lớn bằng phẳng tiếp giáp với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Doosan vina, Công ty O.G.S, cảng Dung Quất… trống trơn chỉ có mỗi cây bụi dại mọc. Bốn cạnh khu đất được xây tường rào bao quanh với chỗ xây cao khoảng 2m, chỗ xây cao quá đầu gối. Bên trên tường rào là các bảng mã chờ sẵn để lắp khung trụ đã gỉ sắt hư hỏng.
Do không có người trông coi, quản lý nên nhiều đối tượng lén lút chở xà bần, chất thải, đá mang vào bên trong đổ thành núi. Tại khu vực được cho là cổng đi vào dự án được hô biến thành bãi chứa hàng trăm cọc khoan nhồi của một dự án nào đó không còn sử dụng. Phía xa, người dân tận dụng khu đất làm bãi chăn thả trâu, bò.
Chị Minh, có nhà cách khu đất vài bước chân lắc đầu: “Trước khu đất này người dân canh tác hoa màu, sau có dự án vào nên bà con nhường đất để phát triển. Ngày công trình triển khai ai cũng vui vì quê hương sắp có thêm dự án lớn sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, kinh doanh dịch vụ cũng phát triển theo. Ai ngờ, họ xây mấy đoạn tường bao quanh dang dở thì bỏ đó rồi không ai ngó ngàng tới. Nhìn mảnh đất, nghĩ về những ruộng dưa, vườn rau mà tiếc hụi”.
Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào KKT Dung Quất phải loay hoay tìm quỹ đất lập dự án, thậm chí có nhà đầu tư phải bỏ ngang ý tưởng đầu tư vì không tìm được quỹ đất sạch, đẹp, đảm bảo tính pháp lý, thì khu đất vàng rộng hơn 12ha nằm giữa KKT Dung Quất, một trong những khu kinh tế lớn của cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lại bỏ hoang gần 14 năm qua là một nghịch lý.
Anh C - Giám đốc một doanh nghiệp cơ khí - nhìn khu đất “cò bay thẳng cánh” tiếc: “Vị trí mảnh đất quá đẹp khi bốn mặt đều có đường giao thông lớn, hệ thống điện được kéo đến tận tường rào, nằm gần các dự án lớn để làm công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là giáp với cảng biển Dung Quất. Lợi thế về vị trí của mảnh đất quá lớn so với mặt bằng chung của KKT Dung Quất. Nhưng hơn 10 năm qua mảnh đất này bỏ hoang cũng đồng nghĩa với bao lãng phí”.
Phải chờ nghiên cứu lại quy định của luật
Để đảm bảo thu hồi lại quỹ đất theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi sau kết luận thanh tra, BQL KKT Dung Quất đã xây dựng các kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban đơn vị liên quan để thực hiện.
Đồng thời, xây dựng cơ sở pháp lý một cách chắc chắn để thu hồi đất theo tinh thần của kết luận thanh tra của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đã hơn 5 tháng trôi qua, việc “sửa sai” vẫn chật vật vì có nhiều rắc rối.
Đại diện BQL KKT Dung Quất cho biết, để thu hồi đất, đơn vị này đã mời Công ty KIC Việt Nam làm việc, tuy nhiên Công ty KIC Việt Nam chỉ cử đại diện mà không có lãnh đạo nên buổi làm việc không đạt kết quả như mong đợi. Công ty KIC Việt Nam cho rằng, không nhận được thông báo kết luận từ phía BQL KKT Dung Quất nên không biết sự tình thế nào.
Tại buổi làm việc, phía BQL KKT Dung Quất đã thông tin cụ thể về thông báo kết luận, bàn giao bản thông báo kết luận tận tay cho người đại diện của Công ty KIC Việt Nam tham dự cuộc họp. Đồng thời, nêu rõ theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam thì Công ty KIC Việt Nam phải cử người đại diện có đủ thẩm quyền và thường trú tại Việt Nam phối hợp xử lý.
Ông Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa - Phó Trưởng BQL KKT Dung Quất - cho biết, sau kết luận thanh tra, đơn vị đã ban hành kế hoạch phân công các phòng ban chức năng tập trung xử lý, kèm theo quy định về trách nhiệm của cá nhân, tập thể, nếu để xảy ra chậm trễ để xảy ra hệ lụy pháp lý thì về nguyên tắc phải chịu trách nhiệm.
Đồng thời, tập trung gia cố các quy định của pháp lý để tiến hành thu hồi đất. Còn hướng xử lý như thế nào cần nghiên cứu kỹ các hành lang pháp lý mà pháp luật về đất đai quy định.
“Do nhiều nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan nên đến giờ việc thu hồi đất đã giao cho nhà đầu tư chưa được thực hiện. Trong đó, các quy định của pháp luật về Luật Đất đai chưa chặt chẽ và mãi đến năm 2017, nghị định 01 mới có hiệu lực thi hành. Đấy là nguyên nhân dẫn đến lúng túng trong việc xử lý thu hồi đất của Công ty KIC Việt Nam” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Cũng theo ông Nghĩa, trên danh nghĩa pháp luật quy định thì quỹ đất trên vẫn thuộc quyền sở hữu của Công ty KIC Việt Nam và đơn vị này trực tiếp quản lý quỹ đất trên. Còn việc Công ty KIC Việt Nam chuyển nhượng quỹ đất đã giao cho Công ty Hào Hưng là việc khác, BQL KKT Dung Quất sẽ tách ra để xử lý chứ không trộn lẫn lại với nhau. Phải rõ ràng từng vấn đề thì mới tháo gỡ nút thắt và thu hồi đất được.