Đắng lòng khi những nạn nhân còn quá nhỏ
Bé T.Y.N (8 tuổi) ở Tân Mai, Hà Nội hằng đêm vẫn khóc nức nở trong giấc ngủ cùng những lời kêu cứu “Đau quá, cứu con” sau khi bị gã hàng xóm giở trò đồi bại. Sự việc xảy ra từ tháng 1.2017, và kết quả giám định cho thấy, bé bị tổn thương bộ phận sinh dục, rách màng trinh, xây xát và phù nề xung quanh. Mẹ của bé vẫn hằng đêm đau đớn trước tiếng khóc của cô con gái nhỏ.
Còn mẹ của một bé gái 7 tuổi bị một người đàn ông lớn tuổi dâm ô nhiều lần tại một khu chung cư ở Vũng Tàu đã một mình mang đơn đi khiếu kiện khắp nơi khi không chịu được nỗi đau, sự hoảng hốt mà con mình phải gánh chịu mỗi ngày. Để rồi từ đó mới phát hiện ra, người đàn ông này có dấu hiệu dâm ô với một số bé gái khác trong cùng chung cư.
Và mới đây nhất là trường hợp bé N.T.P.N (7 tuổi) tại TPHCM nghi bị xâm hại ngay trong lớp học, khi bé tan học về với chiếc quần đẫm máu và sự sợ hãi.
Những tổn thương khó lành
Theo ông Nguyễn Trọng An, Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, mỗi năm có hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nổi của các vụ việc đã được phát hiện, xử lý. Trong khi đó, theo Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 2.000 trường hợp trẻ vị thành niên đến phá thai và 5.000 trường hợp sinh con ở tuổi vị thành niên.
Các chuyên gia tâm lý khẳng định, không chỉ là một hành động trái pháp luật, hành vi xâm hại tình dục trẻ em còn gây tổn thương về thể chất lẫn những hậu quả nhất thời, và thậm chí có thể ảnh hưởng lâu dài.
Về thể chất, những hậu quả có thể thấy được ngay ở trẻ em nhỏ như chảy máu nặng do rách âm đạo - trực tràng, các tổn thương ở bộ phận sinh dục, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như HIV, giang mai, viêm gan....), với trẻ lớn hơn là nguy cơ có thai.
Về sức khỏe tinh thần, trẻ em có những biểu hiện rối loạn hành vi cũng như tâm thần từ nhẹ đến nặng, ngắn hạn cũng như dài hạn. Những biểu hiện thường gặp bao gồm như: Thơ ấu hóa, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, rối loạn về ứng xử cũng như khả năng học tập ở trường, tính cách dễ bùng nổ hoặc co mình lại không tham gia vào các hoạt động đoàn thể hay xã hội...
Về mức độ ảnh hưởng tâm lý lâu dài, trẻ em từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục có nguy cơ tự tử, uống thuốc quá liều, bị rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ, lệ thuộc các thuốc/chất gây nghiện (rượu, thuốc lá, các thuốc kích thích...), các bệnh tâm lý tâm thần cao hơn nhiều so với các trẻ khác. Và rất nhiều người gặp không ít khó khăn trong đời sống tình dục sau này.
Chuyên viên tâm lý Hoàng Dương, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, đối với trẻ nhỏ, khi bị xâm hại, các em thường có những cơn hoảng loạn, khóc hoặc hay nói mớ trong giấc ngủ. Nếu bị xâm hại sau 3 tuổi, các em thường sợ hãi với mọi thứ, sợ tiếp xúc với mọi người, sợ đi học… Những “vết sẹo” tâm lý sẽ nặng nề hơn khi trẻ đủ lớn để nhận thức được giá trị bản thân, biết quan tâm đến vẻ đẹp của mình, nhất là với những cô bé đang ở tuổi dậy thì.
Một biểu hiện dễ nhận thấy ở những đứa trẻ bị xâm hại tình dục là việc các em né tránh sự tiếp xúc với đàn ông, ngay cả với người thân mình như bố, anh em trai, anh họ, chú, cậu.... Khi lớn lên, nhiều cô gái bị xâm hại từ nhỏ vẫn có những ấn tượng không tốt với những người đàn ông xung quanh mình. Đó là lý do, những cô gái từng bị xâm hại cảm thấy khó khăn trong việc lập gia đình. Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại tình dục cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý. Đôi khi, cơn sang chấn tâm lý phải sau nhiều năm xảy ra sự việc mới thể hiện ra.
Th.S chuyên viên tâm lý Kiều Thanh Hà, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM giải thích, rất nhiều trẻ ở thời điểm xảy ra việc bị xâm hại lại không xảy ra lập tức những sang chấn tâm lý. Theo thời gian, các em mới cảm nhận được những ám ảnh về việc mình bị lạm dụng và bắt đầu xảy ra những cơn sang chấn. Thông thường, sang chấn tâm lý sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng.
Ảnh minh họa. |
Đừng im lặng
Tham gia nhiều chuyên đề nói chuyện về xâm hại tình dục cho học sinh tại các trường học, ThS Lê Minh Huân (Phòng tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong, Q.5, TPHCM), cảnh báo thực trạng rất ít học sinh biết được đầy đủ các bộ phận riêng tư trên cơ thể. Từ việc không nhận biết đúng về bộ phận riêng tư, các em sẽ khó nhận diện thế nào là đụng chạm không an toàn. Rồi học trò cũng rất lúng túng không biết xử lý, kỹ năng khi những đụng chạm không an toàn nên nguy cơ bị xâm hại càng cao.
ThS Lê Minh Huân nhắn nhủ phụ huynh hãy nói với con đừng im lặng khi bị xâm hại. Hãy lên tiếng để người lớn còn biết cách giúp đỡ mình, nếu không sẽ để lại hậu quả rất lớn về tâm lý, sức khỏe cũng như tạo đà cho những lần xâm hại tiếp theo.
Các phụ huynh cần chú ý cảnh giác và nâng cao nhận thức để phòng ngừa cho con của mình. Đặc biệt, việc phụ huynh chú ý lắng nghe những chia sẻ của trẻ là tối cần thiết. Điều này giúp cho trẻ có thể tự tin trao đổi với ba mẹ, không phải giấu giếm, sống dằn vặt sợ hãi một mình về bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào. Việc đầu tiên là dạy trẻ biết những “chỗ riêng tư” trên cơ thể; biết từ chối các hành động mà trẻ thấy khó chịu, sờ mó chỗ riêng tư, hay đưa dương vật vào mồm; không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ; biết hô to khi cần sự giúp đỡ hay để thoát nạn, tập cho trẻ thói quen kể cho phụ huynh nghe khi có bất cứ ai làm điều gì khó chịu hay nguy hiểm cho trẻ...
Những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xâm hại tình dục: Thấy vết thương, vết bầm khó giải thích ở miệng, vùng kín của trẻ; trẻ sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó, phản ứng không bình thường từ trẻ khi trẻ được hỏi chúng có tiếp xúc đụng chạm với một người nào đó không; trẻ đi tiêu, tiểu khó, ra máu; thấy vệt máu trên quần áo trẻ; trẻ ít tắm, sợ tắm sợ thay đồ; trẻ khó ngủ, gặp ác mộng và hay tè dầm; trẻ hay vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục; bỗng hiểu rõ bộ phận sinh dục, các hoạt động tình dục cũng như các từ ngữ liên quan…
Các chuyên gia hoạt động bảo vệ trẻ em cho biết, hiện nay đang thiếu một mạng lưới thu thập thông tin, phát hiện sớm, giảm thiểu xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng. Đội ngũ làm công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em của cả nước vẫn còn rất mỏng và yếu. Việc hỗ trợ các dịch vụ y tế, tâm lý cho những trẻ em bị xâm hại tình dục cũng còn hạn chế.
Theo Chi hội Luật sư bảo vệ trẻ em TPHCM (thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM), một trong những vấn đề đáng ngại hiện nay là trong số các vụ tố cáo xâm hại trẻ em mà đơn vị này tiếp nhận có đến hơn 40% vụ không thể xử lý, phải trả hồ sơ vì không đủ chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ pháp y. Vì thế khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị xâm hại, gia đình hãy báo ngay sự việc càng sớm càng tốt, nhằm kịp thời lưu lại chứng cứ.
Đồng thời, gia đình, nhà trường và cộng đồng cần tích cực lên tiếng phản đối, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em, giám sát chặt chẽ và có các biện pháp xử lý kiên quyết các đối tượng đã từng có hành vi xâm hại trẻ em nhằm ngăn chặn các hành vi tương tự tiếp diễn.
Ở TP.HCM, có thể gọi vào đường dây nóng Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM: 18009069 hoặc Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TPHCM: 1900545559. Thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan công an để điều tra và chuyển đến Chi hội Luật sư Bảo vệ Trẻ em TPHCM để tiến hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho gia đình người bị hại.