Cơ sở nghĩ đến World Cup
Kể từ World Cup 2026, FIFA quyết định nâng số đội bóng lên 48 đội. Khu vực Châu Á có đến 8 suất chính thức và 1 suất dự play-off. Đây là một cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia có nền bóng đá đang phát triển.
Tuyển Việt Nam dù chưa lọt vào top 10 Châu Á nhưng vẫn có lý do để hy vọng. VFF cũng không quá vội vàng khi đặt mục tiêu cho tuyển Việt Nam ở World Cup 2026 vẫn là đi đến vòng loại cuối cùng. Trong 4 năm ngắn ngủi, gây áp lực quá lớn về thành tích với tuyển Việt Nam là điều phi thực tế.
Chia sẻ bên lề Đại hội VFF khoá 9, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói: "Trong chu kì thể thao, cần có sự tính toán để duy trì và tạo ra sức bật thành tích, mục tiêu là hướng đến World Cup 2026 và 2030. Theo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà Thủ tướng phê duyệt, chúng ta phấn đấu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào top 10 Châu Á và sớm có mặt tại vòng chung kết World Cup. Nhiệm vụ này rất áp lực và đòi hỏi bộ máy mới VFF cần có quyết định mang tính đột phá".
Tân Chủ tịch VFF cho rằng, một trong những cơ sở quan trọng để khoá 9 VFF có thể nghĩ xa hơn chính là màn trình diễn của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Theo ông Tuấn, VFF và tuyển Việt Nam có được sự chuẩn bị khá chu toàn trong thời gian dài. Việc thi đấu 10 trận với các đối thủ mạnh nhất Châu Á giúp Quang Hải và các đồng đội thu được nhiều kinh nghiệm. Từ đây, tuyển Việt Nam có thể phát huy khả năng ở các giải đấu lớn sắp tới.
Chưa kể, các lứa cầu thủ trẻ kế cận trong tương lai gần như lứa U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 Châu Á 2022, U20 Việt Nam vừa thi đấu vòng loại U20 Châu Á 2023,... đều thể hiện được năng lực của mình. Đến thời điểm 2026 và xa hơn là 2030, đây mới là các trụ cột lĩnh trọng trách giành vé dự World Cup cho bóng đá Việt Nam.
Cần một kế hoạch chuẩn bị dài hơi
Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF khoá 9 Trần Anh Tú chia sẻ: "Tất cả các đội tuyển cần vào vòng chung kết Châu Á, nếu không làm được thì đây là sự thụt lùi về thành tích. Điều này rất quan trọng, việc được thi đấu với các đội tuyển ở châu lục giúp trình độ của chúng ta nâng lên. Trong các mục tiêu thì đây là điều đầu tiên cần làm. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam phấn đấu vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026".
Trước khi nghĩ đến thành tích ở cấp độ cao nhất là đội tuyển quốc gia, VFF cần phấn đấu tạo ra một mặt chân đế vững chắc, mà cụ thể là thành tích của các đội tuyển trẻ ở châu lục. Những lứa cầu thủ được trui rèn mới có đủ khả năng để vươn lên và giành lấy thành công khi khoác áo đội tuyển quốc gia.
Nhưng VFF không thể tự mình tạo ra “măng non” cho bóng đá Việt Nam. Đơn vị này đóng vai trò hoạch định chính sách, tạo ra sân chơi và môi trường tốt để cầu thủ trẻ phát triển.
Ông Trần Anh Tú phân tích: “Chúng ta có một nền tảng đào tạo trẻ rất bài bản nhiều năm qua. VFF tiếp tục phát huy nền tảng ấy nhưng chúng tôi phải cân nhắc tăng số lượng trận đấu các giải trẻ. Điều này phụ thuộc tài chính của câu lạc bộ và phải cân đối cả chuyện chi phí của VFF.
Các cháu cầu thủ còn phải đi học và thi đấu nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học văn hoá. Nhưng tăng số trận đấu là xu thế tất yếu, chúng ta sẽ tìm ra nhiều cầu thủ trẻ”.
Bóng đá là cuộc chơi kim tiền. Mức độ phát triển bóng đá luôn có sự tương xứng với mức độ phát triển kinh tế xã hội. VFF cần tận dụng việc khai thác thương mại và hình ảnh của đội tuyển Việt Nam.
Từ nguồn tài chính này, những kế hoạch đầy hứa hẹn về chuyên môn mới có thể trở thành hiện thực. Mục tiêu World Cup cần được xây dựng bằng một kế hoạch dài hơi.