Năm 2015, sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) từng đăng cai trận giao hữu của U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar. Lúc này, U23 Việt Nam được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Miura chuẩn bị cho SEA Games 28.
Đấy là trận đấu thu hút đông đảo khán giả và tạo ra hiệu ứng lớn vào thời điểm đó. Đấy cũng là quãng thời gian Quảng Ninh đang có đội bóng chơi tại V.League. Khán giả Quảng Ninh cũng được xếp vào nhóm hâm mộ bóng đá bậc nhất V.League đã tạo ra "lễ hội" trên sân Cẩm Phả với sắc đỏ từ những khán đài.
Năm 2016, trên sân vận động Cần Thơ, tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt đã có trận giao hữu với Avispa Fukuoka (Nhật Bản). Thời điểm đó, địa phương này đang có đội bóng chơi ở V.League. Dù không quá cuồng nhiệt với các trận đấu của đội nhà ở sân chơi quốc nội nhưng khán giả Cần Thơ đã chào đón đội tuyển Việt Nam cũng với không khí "lễ hội".
Sân vận động có sức chứa đến 50.000 khán giả đã chật kín. Nhiều cổ động viên phải trèo rào theo dõi trận đấu. Nhiều khán giả miền Tây đã tận dụng cơ hội này để chứng kiến tận mắt các tuyển thủ Việt Nam thi đấu. Đấy là trận đấu chuẩn bị cho AFF Cup của thầy trò huấn luyện viên Hữu Thắng.
Năm 2019, Phú Thọ đã được trao cơ hội đăng cai trận giao hữu quốc tế giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar. Dù là địa phương không có đội bóng chuyên nghiệp thời điểm đó nhưng Phú Thọ đã có những sự chuẩn bị kĩ lưỡng để đáp ứng các tiêu chí cho một trận quốc tế.
Cơn sốt vé đã xuất hiện trước trận đấu này kèm theo một hiệu ứng lớn về mặt truyền thông. Điều này đã mở ra cho Phú Thọ thêm những cơ hội đăng cai các trận đấu sau đó.
Cuối năm 2020, đội tuyển Việt Nam và U23 tập trung và có 2 trận giao hữu diễn ra tại sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) và Việt Trì (Phú Thọ) đều tạo hiệu ứng lớn. Khán giả vẫn là điểm nhấn của mỗi trận đấu.
Sau đó, Phú Thọ đã đăng cai bảng đấu có sự góp mặt của U23 Việt Nam tại SEA Games 31 diễn ra vào năm 2022. Những trận đấu tại vòng bảng và bán kết tại sân Việt Trì đã mang đến bầu không khí sôi động, trở thành hình ảnh ấn tượng của SEA Games 31.
Hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp Hong Kong (Trung Quốc) tại sân Lạch Tray và Syria tại sân Thiên Trường vừa kết thúc trong dịp FIFA Dáy tháng 6.2023 đều tạo hiệu ứng tích cực.
Hiện tại, nhiều sân vận động tại V.League, chất lượng mặt cỏ đã tốt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống phòng chức năng đã và đang được cải thiện tốt hơn, đáp ứng tiêu chuẩn FIFA, AFC. Đây là cơ sở để VFF có thể đưa các đội bóng về địa phương nhiều hơn.
Sau quãng thời gian tạo ra những cơn sốt, sân Mỹ Đình trong thời gian gần đây đã không còn tạo thành "chảo lửa". Ngay cả trận tuyển Việt Nam gặp Borussia Dortmund vào cuối năm 2022 cũng không có một cơn sốt nào được tạo ra.
Hay như trước thềm AFF Cup 2022, trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Philippines tại sân Hàng Đẫy cũng trong tình trạng trống vắng trên các khán đài.
Dẫn ra điều đó là để thấy, khi đội tuyển Việt Nam đã đạt đến ngưỡng thành tích nhất định, lúc này khán giả (nhất là khán giả ở Hà Nội, TPHCM) cũng bắt đầu chọn lọc những trận đấu quan trọng. Nhưng với các địa phương khác, sức hút từ trận đấu của các đội tuyển quốc gia vẫn rất lớn.
Sau dịp FIFA Days tháng 6 vừa qua, VFF cũng cần nhìn nhận lại việc tạo cơ hội nhiều hơn cho các đội tuyển quốc gia đến gần hơn với các khán giả địa phương. Thương hiệu đội tuyển cũng từ đó mà được quảng bá rộng rãi hơn.