Cuối cùng, những lo lắng về việc huấn luyện viên Philippe Troussier kết thúc tháng 6 trong sự âu lo đã không thành hiện thực. Không phải vì đội tuyển Việt Nam thắng 2 trận giao hữu mà vì cách thắng ở 2 màn trình diễn tại sân Lạch Tray và Thiên Trường.
1-0 “khóc”
Gặp tuyển Hong Kong (Trung Quốc) xếp hạng 147 thế giới, đội tuyển Việt Nam thắng bởi cú đá 11 m thành công của đội trưởng Quế Ngọc Hải. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để diễn tả sự không hài lòng của rất, rất nhiều người. Nên nhớ rằng, trong 90 phút trận đấu tại Hải Phòng, khung thành đã 3 lần ngăn cản bàn thắng của đội khách, trong khi tuyển Việt Nam có rất ít cơ hội thực sự. Ngay cả pha bóng dẫn đến quả 11 m cũng gây tranh cãi.
Huấn luyện viên Troussier im lặng sau trận đấu đó. Ông thừa hiểu những vấn đề của đội nhà khi ở ngoài kia là sôi sục những lời chê bai, chỉ trích. Nếu có điều gì đó để níu kéo, gỡ gạc cho màn trình diễn “muốn khóc” đó, hẳn là vì thời gian là chưa đủ khi thầy trò huấn luyện viên người Pháp chưa làm việc với nhau nhiều trong đợt tập trung chính thức đầu tiên.
1-0 “cười”
Nhưng nếu thời gian là vấn đề, liệu khoảng thời gian 5 ngày giữa 2 trận đấu có đủ để đội tuyển Việt Nam thay đổi nhiều đến vậy? Đó là kết quả của sự điều chỉnh cả về nhân sự lẫn cách vận hành. Chưa thể gọi là “lột xác hoàn toàn”, nhưng những thể hiện trước Syria đã làm thay đổi trạng thái của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn.
Thắng 1-0 trước Syria - đội xếp hạng 90 thế giới, trên sân Thiên Trường là kết quả ngược với suy nghĩ của rất, rất nhiều người. Cũng dễ hiểu cho những nhận định bi quan trước trận khi hệ quy chiếu là 90 phút trước Hong Kong (Trung Quốc). Vì thế, mọi lời chỉ trích hướng vào chuyện lối chơi mà huấn luyện viên người Pháp xây dựng không phù hợp bỗng nhiên trở nên lố bịch. Tất nhiên, hành trình vẫn còn rất dài để khẳng định Troussier có thành công hay không, nhưng mấu chốt là sự kiên nhẫn. “Phù thủy trắng” cùng ban huấn luyện và các cầu thủ vẫn đang phải... dò đường.
Bài học cho tương lai
Với kết quả của 2 trận đấu, có thể nói, khởi đầu của Troussier với đội tuyển Việt Nam đã có sự thuận lợi nhất định. Nhưng như đã nói trên, hành trình dò đường còn nhiều khó khăn, để từ 2 trận đấu vừa qua, Troussier và các cầu thủ tiếp tục rút ra cho mình những bài học.
Trong tham vọng nâng tầm, điều đầu tiên cần nhớ là sẽ gần gạt bỏ suy nghĩ về chuyện đội hình A hay đội hình B. Các cầu thủ được triệu tập lên tuyển đều có chất lượng và giá trị nhất định - từ góc nhìn của huấn luyện viên. Vấn đề của người dẫn dắt là sắp xếp đội hình phù hợp, có sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Trong lối chơi kiểm soát chủ động, yêu cầu dĩ nhiên là... biết chuyền bóng, nhưng ở một trình độ cao hơn. Không những vậy, yếu tố cốt lõi trong đội hình, ngoài các nhân tố giữ nhịp, biết giữ bóng - để thu hút hoặc đột phá, cần có cầu thủ theo phong cách năng nổ, thậm chí là “chiến đấu”. Và đương nhiên, sự hiểu nhau.
Nhìn từ 2 trận đấu vừa qua, sự khác biệt là gì? Sự điều chỉnh trên hàng tiền vệ (cũng có thể bởi Hoàng Đức chấn thương) đã mang đến sự tôn vinh cho cả Thái Sơn lẫn Tuấn Anh. Trong lúc Quang Hải vẫn duy trì được khả năng, vai trò tiền đạo cho Văn Tùng là lựa chọn đầy hứa hẹn cho tương lai, nhờ thể hình tốt, chịu khó di chuyển phối hợp…
Như một sự phản ứng thường thấy của tâm lí, khi bị chỉ trích người ta tìm đến những lí do để giải thích, nhưng sau những lời khen, Troussier và các học trò lại trở về với sự… khiêm tốn - Troussier vẫn phân tích thiếu sót, Quang Hải và Công Phượng chỉ tự nhận điểm trung bình... Điều đó cũng cần thiết để giữ mình.