Số lượng cầu thủ đông nhất
Tính trên danh nghĩa, câu lạc bộ Hà Nội đóng góp đến 6 cầu thủ cho U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 Châu Á. Ngoài đội trưởng Bùi Hoàng Việt Anh còn có các cầu thủ Vũ Tiến Long, Quan Văn Chuẩn, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hai Long và Nguyễn Văn Tùng.
Tuy Hai Long không trưởng thành từ lò đào tạo Thủ đô nhưng họ vẫn còn đó Trần Văn Công, người chơi cho Hồng Lĩnh Hà Tĩnh nhưng vốn dĩ là đồng đội của Việt Anh ở các lứa trẻ Hà Nội. Thậm chí, trung vệ Lương Duy Cương trước khi chuyển đến câu lạc bộ Đà Nẵng cũng là thành viên của đội trẻ Hà Nội.
Có thể tạm tính rằng, với 7/23 người, lò đào tạo trẻ Hà Nội là trung tâm đóng góp lượng cầu thủ lớn nhất cho U23 Việt Nam. Tức là, 30,34% số cầu thủ U23 Việt Nam xuất phát từ một lò đào tạo.
Lò đào tạo Viettel với 6 cầu thủ (tính cả Hai Long bị loại khỏi trung tâm này trước khi về đầu quân cho Than Quảng Ninh) là đội có lượng quân số cao thứ nhì, xếp thứ 3 là Hoàng Anh Gia Lai với 4 người. PVF cũng có 3 cầu thủ là Hoàng Anh, Văn Đô, Công Đến.
Ở giai đoạn trước đây, Hoàng Anh Gia Lai thường xuyên đóng góp lượng cầu thủ đông đảo nhất. Có thời điểm, thầy Park gọi đến 7 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo phố Núi lên tuyển. Nhìn rộng ra thế giới, một đội tuyển dựa vào dàn cầu thủ đến từ một câu lạc bộ hoặc một lò đào tạo trẻ không hề thiếu.
Đội tuyển Anh sau thời điểm chờ đợi cầu thủ từ lò West Ham hoặc Carrington của Man United nay đã lệ thuộc vào lò Cobham của Chelsea. Thống kê nhanh ở đợt tập trung gần nhất, có đến 7 cầu thủ trưởng thành từ đội bóng thành London.
Đáng tiếc thay, chỉ có Mason Mount đang có đóng góp lớn cho Chelsea, trong số những người ra đi thậm chí còn có… Declan Rice, tiền vệ được “hét giá” lên đến 150 triệu bảng Anh.
Bài toán cho câu lạc bộ Hà Nội
Thực tế cho thấy không phải chỉ ở vòng chung kết U23 Châu Á năm nay mà cả một giai đoạn 5 năm gần đây, Hà Nội đã tạo ra rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng. Khi Đình Trọng, Duy Mạnh chấn thương, Thành Chung hay Việt Anh lập tức thế chỗ. Họ còn có cả Văn Tới và Tiến Long sẵn sàng đá trung vệ khi cần.
Ở V.League và giải hạng Nhất, không thiếu sản phẩm của đội bóng này đang chơi hay như Sầm Ngọc Đức, Phạm Văn Thành, Đỗ Văn Thuận, Ngân Văn Đại hay phần nào đó là thủ thành Nguyễn Đình Triệu - đoá hoa nở muộn trong màu áo câu lạc bộ Hải Phòng.
Trong môi trường cạnh tranh và áp lực về thành tích như câu lạc bộ Hà Nội, thật khó để “ép” đội bóng này trao cơ hội và tin tưởng hết mực vào các cầu thủ trẻ. Cầu thủ trẻ là một canh bạc, nếu thi đấu và thể hiện được mình, họ có thể vụt sáng thành ngôi sao. Bằng không, tương lai của họ có thể mịt mờ chỉ sau 2-3 trận đấu.
Trên thế giới, La Masia (Barca), La Fabrica (Real Madrid), Cobham (Chelsea) là những địa chỉ cung cấp đông đảo lượng cầu thủ cho các đội bóng. Theo một thống kê tại La Liga vào năm 2020, có đến 42 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Real Madrid chơi cho giải đấu số 1 của Tây Ban Nha, tương đương 8% tổng số cầu thủ.
Nhưng thật khó tin khi trong thành phần đội 1 Real Madrid, chỉ có một vài người được đào tạo ở đây khi còn nhỏ. Đó là Nacho, Carvajal và Vazquez, họ kiếm được khoảng 300 triệu euro nhờ bản đi “cây nhà, lá vườn”. Để rồi, đội bóng này luôn sẵn lòng "bạo chi" cho các ngôi sao miễn là họ phù hợp.
Đây là bài toán mà câu lạc bộ Hà Nội có thể nghĩ đến. Việc mạnh dạn định giá và bán đi các cầu thủ trẻ có thể thúc đẩy thị trường chuyển nhượng V.League hoạt động mạnh mẽ hơn. Hà Nội chắc chắn không thể sử dụng hết cầu thủ do mình tạo ra, vậy hãy biến cầu thủ trở nên có giá trị thương mại.
Hoàng Anh Gia Lai chưa bán được nhiều cầu thủ, nhưng họ đã thành công và kiếm được số tiền không nhỏ từ thương vụ bán Lê Phạm Thành Long cho Đông Á Thanh Hoá. Thành Long đang là trụ cột, đội bóng xứ Thanh hài lòng với số tiền bỏ ra. Các đội bóng cần suy nghĩ nghiêm túc nếu đặt lợi ích của chính họ, của cầu thủ và của cả nền bóng đá ở thời điểm hiện tại.