ThS.BS Phạm Công Khánh – Phó Trưởng khoa nội soi, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị nôn ra máu, tình trạng kéo dài mới đi đến bệnh viện để khám bệnh. Sự chủ quan này khiến nhiều người đối mặt với các biến chứng khó lường.
Nôn ra máu không phải là bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng của đường tiêu hoá. Bệnh nhân có thể nôn ra máu đỏ tươi, hoặc nôn ra máu bầm, máu cực, dịch nôn đen kèm với thức ăn.
Nôn ra máu có thể biểu hiện nhiều bệnh lý, thường xuất hiện trên 2 nhóm bệnh lý. Nhóm bệnh lý không do tăng áp cửa, tức họ có thể bị viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng, hay những tình trạng khác như dị dạng mạch máu ở trong dạ dày, hoặc khi người bệnh nôn nhiều xảy ra tình trạng rách niêm mạc vùng quãng, đó có thể là biểu hiện gây ra nôn ra máu. Biểu hiện của nhóm này là đau bụng vùng trên rốn, thấy nóng rát vùng trên rốn, đôi khi cảm giác đầy hơi, khó tiêu.
Nhóm bệnh lý thứ hai là tăng áp cửa, thường xảy ra trên bệnh nhân sơ gan, đối với nhóm này tình trạng nôn ra máu thường xuất hiện khi vỡ các mạch máu bị giãn ở thực quản hoặc ở dạ dày.
Khi người bệnh bị nôn ra máu, nhẹ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoa mắt, nặng có thể ngất xỉu.
Đối với những người bệnh xơ gan, nôn ra máu vì tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thông thường có các biểu hiện của xơ gan, bệnh nhân có tình trạng báng bụng, vàng da, vàng mắt….
Trên thực tế nôn ra máu là dấu hiệu nguy hiểm, nên khi có triệu chứng này thì nên đến cơ sở y tế được thăm khám, chẩn đoán mức độ nặng của nôn ra máu.
Nếu bị bệnh mà không điều trị thì biến chứng nôn ra máu nhẹ có thể không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, mất máu nhiều cơ thể bệnh nhân sẽ giảm hiệu quả tuần hoàn trong cơ thể, tụt huyết áp. Đặc biệt là người lớn tuổi có thể bị nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, sốc mất máu, sốc có thể suy đa cơ quan thậm chí là tử vong.
Trong phương án điều trị hiện nay, nội soi là phương pháp phổ biến để tìm nguyên nhân nôn ra máu, qua nội soi các bác sĩ sẽ điều trị cầm máu với nhiều phương pháp tiến bộ, tăng tỉ lệ thành công cao hơn.
Đối với nhóm nôn ra máu do tăng áp cửa xơ gan, qua nội soi có thể thắt thun, chích keo cầm máu.
“Trước đây nếu phẫu thuật xong vẫn bị chảy máu thì người bệnh sẽ phải phẫu thuật mổ để cầm máu, hiện nay với sự tiến bộ của y học chúng ta có thể cầm máu qua can thiệp nội mạch, tức là luồn một thiết bị hiện đại trong mạch máu, tìm mạch máu đang chảy và xử lý ngưng chảy máu. Bên cạnh đó, nôn ra máu là triệu chứng giảm thể tích tuần hoàn, cho nên việc điều trị quan trong là sớm bù hoàn lại thể tích bị mất đó bằng cách truyền dịch, hoặc truyền máu, dùng thuốc giảm tiết axit trong dạ dày, giảm tỷ lệ chảy máu tái phát” - ThS.BS Phạm Công Khánh nói thêm.