Cảm lạnh
Bác sĩ Lê Nguyệt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá - cho biết, các triệu chứng của cảm lạnh thông thường xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi tiếp xúc với virus gây cảm lạnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người bao gồm: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, ho, sốt nhẹ, đau đầu, đau nhức cơ thể…
"Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh hiệu quả, người bệnh uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể thải được độc tố. Bên cạnh đó cần tạo thói quen vận động thường xuyên. Những hoạt động thể chất đều đặn sẽ làm gia tăng lượng tế bào của hệ miễn dịch, giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn và virus có hại cho sức khỏe” - vị bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Cảm cúm
Bệnh cúm lây lan nhanh và thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau nhức, ho khan, mệt mỏi… Tùy vào thể trạng của mỗi người, các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày cho đến vài tuần.
Thời gian khi virus cúm xâm nhập vào cơ thể cho đến khi phát bệnh là 2 ngày. Ngay khi phát hiện biểu hiện đầu tiên của cúm, người bệnh cần điều trị ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyệt cho rằng, đa số các trường hợp cúm không gây nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể duy trì cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh có thể gây khó chịu, mệt mỏi kéo dài cho người bệnh. Điều trị đúng cách giúp giảm nhanh các triệu chứng giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe hơn.
Viêm xoang
Bác sĩ Nguyệt nêu ra một số dấu hiệu điển hình của bệnh viêm xoang như đau nhức, sốt, chảy dịch, nghẹt mũi hay điếc mũi. Khi nghiêng người về phía trước sẽ có cảm giác chóng mặt hay choáng váng, đau xung quanh vùng mắt theo từng cơn và nhịp mạch đập. Đau nhức mỗi khi hắt hơi mạnh, người bệnh không thể tập trung, không muốn ăn. Nếu viêm xoang nặng có thể bị viêm thần kinh mắt dẫn tới mờ mắt.
Vị bác sĩ này đưa ra những lưu ý, người bệnh nên đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...
Tránh hít luồng không khí lạnh, khô. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm xoang.
Viêm họng
“Các triệu chứng của viêm họng khá rõ ràng và dễ nhận biết như: đau họng, sốt, sưng hạch góc hàm, ho và có thể kèm theo khàn giọng, khó nuốt...” – bác sĩ Nguyệt nói.
Khi bị viêm họng, người bệnh có thể nhận biết bằng các biểu hiện ban đầu và tự điều tiết chế độ ăn uống bệnh sẽ thuyên giảm. Cũng có thể áp dụng phương pháp điều trị viêm họng như dùng kháng sinh, tốt nhất nên dùng kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ. Mỗi kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ nên được sử dụng theo đúng lịch trình.
“Để phòng ngừa bệnh viêm họng, người dân nên chú ý giữ ấm cổ họng, mũi, miệng, nhất là trong mùa lạnh. Hạn chế uống nước đá, nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đặc biệt tập thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, ăn đồ cay nóng gây hại cho cổ họng” – bác sĩ Lê Nguyệt chia sẻ.