Buổi trao đổi do Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức với hình thức trực tuyến gồm 4 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng. Tham gia có các chủ tịch Công đoàn cơ sở và các nhân sự phụ trách sáng kiến tại các đơn vị.
Một số nội dung chính đã được thống nhất tại buổi trao đổi. Trong đó, thay đổi tư duy về sáng kiến: Không chỉ những sáng kiến có giá trị làm lợi cao, mà những sáng kiến nhỏ, giá trị làm lợi thấp cũng cần được khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở, đặc biệt những công nhân trực tiếp sản xuất phát huy sáng kiến, cải tiến, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tiết kiệm nguyên liệu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tận từng bộ phận, từng tổ sản xuất để người lao động hiểu và hưởng ứng. Cập nhật liên tục thông tin về Chương trình trên các phương tiện truyền thông cơ sở; nhân rộng các sáng kiến, lan tỏa tinh thần cống hiến, đóng góp trí tuệ, công sức của người lao động; khơi gợi niềm tự hào, gắn kết của mỗi đoàn viên công đoàn đối với doanh nghiệp, tổ chức và ngành nghề.
Thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến tại từng bộ phận, tổ sản xuất: Gợi mở và tiếp nhận ý tưởng từ người lao động, tiếp nhận sáng kiến, đề xuất lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện, ứng dụng vào thực tiễn, kê khai, cập nhật sáng kiến giúp người lao động…
Xây dựng cơ chế thúc đẩy: Kịp thời khuyến khích, khen thưởng xứng đáng cho người lao động có nhiều sáng kiến, cải tiến hay. Xây dựng cơ chế đãi ngộ, phụ cấp cho các cán bộ công đoàn, tổ hỗ trợ sáng kiến trong vận động, triển khai hiệu quả Chương trình.
Gắn kết và đồng hành cùng chuyên môn: Công đoàn cơ sở phải là lực lượng tham mưu, đề xuất các giải pháp, phương án đến lãnh đạo, cơ quan điều hành trong thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo tại đơn vị. Phối hợp cùng chuyên môn trong vận động, khuyến khích và hỗ trợ người lao động trong phát huy sáng kiến, cải tiến.