Khó cho cả giáo viên và nhà trường
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THCS có môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp từ các các môn Lịch sử, Địa lí.
Mặc dù đã bước sang năm thứ 2 dạy và học các môn tích hợp nhưng việc bố trí giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học vẫn luôn là bài toán khó đối với các nhà trường.
Tại Hà Nội, phần lớn các trường THCS đều bố trí 3 giáo viên đơn môn cùng dạy môn Khoa học tự nhiên, 2 giáo viên dạy môn Lịch sử - Địa lý. Phương án này đảm được mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu phải liên tục thay đổi, gây rối cho giáo viên.
Một số trường bố trí 1 giáo viên đảm nhiệm cả môn học. Cách này thuận lợi cho nhà trường trong việc quản lí, sắp xếp thời khoá biểu... Nhưng bất cập ở chỗ, nhiều giáo viên trước kia được đào tạo đơn môn, chưa đủ tự tin, thiếu kiến thức để lên lớp, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Hiệu trưởng 1 trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội nói rằng, năm ngoái, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng với lớp 6, nhà trường có thể cố "co kéo" để 3 cô giáo cùng đảm nhận 1 môn học. Thế nhưng sang năm học này, khi chương trình mới áp dụng với lớp 7, nhà trường buộc phải bố trí 1 giáo viên đơn môn đảm nhận dạy môn tích hợp vì không đủ nguồn giáo viên.
"Trước kia, thầy cô được đào tạo đơn môn 4 năm ở bậc đại học mới có thể đứng lớp thì nay, chỉ qua khoá đào tạo, bồi dưỡng vài tháng, 1 giáo viên dạy đơn môn đã phải đảm đương 3 phân môn. Những kiến thức cơ bản, thầy cô có thể đảm bảo, nhưng kiến thức chuyên sâu thì rất khó.
Tóm lại, dù xoay xở như thế nào cũng đều rối rắm, khiến giáo viên quá tải, gây thiệt thòi cho học sinh" - vị hiệu trưởng giãi bày.
Đề nghị triển khai kịp thời kế hoạch đào tạo giáo viên dạy liên môn
Không riêng Hà Nội, tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước, các trường đều phải tìm mọi cách xoay xở để dạy học môn tích hợp. Nhưng bố trí thế nào cũng bộc lộ những khó khăn cho cả người dạy lẫn người học.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến.
Theo đó, cử tri tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc thực hiện giảng dạy các môn tích hợp bậc trung học cơ sở còn nhiều khó khăn, bất cập đối với giáo viên.
Cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GDĐT triển khai kịp thời kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy liên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy các môn tích hợp trong nhà trường.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết, đơn vị đã hướng dẫn các nhà trường, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Ngoài ra, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Theo Bộ GDĐT, từ năm 2019 đến nay, bộ đã triển khai biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước các modul bồi dưỡng cho giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông (do Chương trình ETEP phối hợp với các trường đại học sư phạm và các đơn vị liên quan đảm nhiệm).
Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý. Như vậy, đối với mỗi giáo viên, việc dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn không có gì thay đổi lớn so với chương trình hiện hành.
Việc thay đổi chủ yếu nằm ở kế hoạch giáo dục của nhà trường (phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu), đã được Bộ GDĐT hướng dẫn (Công văn số 5512, Công văn số 2613, Công văn số 3699) và được các nhà trường triển khai thực hiện.
Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy ban đầu có những khó khăn do quen với việc 1 giáo viên dạy 1 môn và xếp thời khóa biểu chia đều số tiết/tuần, nhưng qua một thời gian thực hiện, Bộ GDĐT đã kiểm tra, chỉ đạo điểm và nhân rộng, đến nay cơ bản đã được các trường THCS thực hiện đáp ứng yêu cầu.